Bẵng đi một thời gian không gặp, giờ gặp lại đã nghe chị thông báo đang sở hữu vườn lan công nghệ cao gần 8ha với nhà lưới, hệ thống tưới phun sương…, đặc biệt là phòng cấy mô được đầu tư nhiều tỷ đồng.
Công nghệ “hóa” vườn lan
Tôi không dám so sánh, nhưng làm hoa lan cỡ như ông Mai Quốc Thái (Chủ nhiệm CLB Hoa Lan TP.HCM) có đến gần chục ha cũng chưa dám đầu tư phòng cấy mô như chị Huyền “lan”.
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền đang trao đổi kinh nghiệm trồng lan với ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.
Gần chục năm trước, khi vừa bước chân vào nghề trồng lan, chị đã thổ lộ, muốn làm lan thành công, cạnh tranh được với mấy “ông kẹ” hoa lan như: Đài Loan, Thái Lan, giới trồng lan Việt Nam phải trang bị được phòng cấy mô.
“Nhìn chung, cho đến giờ hoa lan Việt vẫn chưa bì được hoa lan của Đài Loan, Thái Lan. Cái chính là do giới trồng lan trong nước sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào giống lan nhập từ hai nước này. Vì vậy, để thoát khỏi cảnh họ bán giống lan gì ta mua nấy, trong khi các trường viện nghiên cứu giống lan trong nước còn yếu kém, thì các nhà vườn trồng lan trong nước phải đầu tư phòng cấy mô, phải nghiên cứu được giống lan không chỉ kháng bệnh mà còn tìm giống tốt, hoa đẹp nhằm cạnh tranh với Thái Lan và Đài Loan”, chị Huyền “lan” chia sẻ.
Trước đây, người phụ nữ này chỉ biết “cát, đá và xi măng”. Nhưng cái nghề bán vật liệu xây dựng không cản nổi sự đam mê hoa lan và ước mơ sở hữu một vườn lan của chị. Sau một buổi tiếp cận vườn lan từ sự giới thiệu của ngành nông nghiệp địa phương, chị bắt đầu khởi nghiệp trồng lan bằng cách chuyển đổi 4ha cao su ở huyện Củ Chi thành vườn lan trang bị công nghệ cao.
Thời điểm ấy, tại Sài thành, ứng dụng công nghệ cao cho mô hình nông nghiệp còn khá hiếm hoi. Thế mà, người phụ nữ này dám vác chục tỷ đồng mua ống nhựa, mua lưới về tự làm hệ thống tưới phun sương, nhà lưới manh nha làm nông trại sản xuất hoa lan công nghệ cao.
“Tôi không nhờ trường viện chuyển giao công nghệ tưới phun sương hay nhà lưới. Tôi đi học hỏi kinh nghiệm từ các nông trại trong nước rồi tự làm”, chị Huyền thổ lộ.
Ngõ vào vườn lan công nghệ cao của chị Huyền “lan”.
Bắt tay vào làm nông trang chị chia nhỏ mảnh đất 4ha thành những khu vực khác nhau. Tại mỗi khu vực này được trang bị một máy bơm nước đủ công suất tưới. Hệ thống péc tưới phun sương cũng mọc lên khắp các khu vực đảm bảo đủ tưới cho mỗi khu vực.
Song song đó, cả nông trại rộng 4ha đất cũng được phủ kín lưới nhằm che nắng, tránh gió cho những luống lan được trồng trên giá thể sau này.
“Gần đây, tôi còn định nâng cấp hệ thống tưới cũ bằng hệ thống tưới tự động được điều khiển từ xa. Tuy nhiên, hệ thống tự động này thấy tiện chứ không lợi nên tôi không làm. Vả lại, với trồng lan, trang bị hệ thống tưới phun sương, nhà lưới không quan trọng bằng nước tưới. Nước tưới đặc biệt quan trọng. Phải xử lý nước cho tốt, độ pH từ 5.5 – 6.0 là tốt nhất”, chị cho biết.
Khi những cây lan bắt đầu bám rễ, vươn mình trong nông trại, căn bệnh thối rễ, thối đọt và đốm lá trên hoa lan cũng bắt đầu tấn công vườn lan. Kiến thức, kinh nghiệm về “cát, đá và xi măng” của một nhà bán vật liệu xây dựng không thể giúp chị Huyền “lan” cứu vãng được những luống lan mắc bệnh. Nhìn những luống lan chết hàng loạt chị bảo “không cầm được nước mắt”.
Ấy vậy mà, việc liên tiếp những luống lan ngã gục vẫn không hạ gục quyết tâm và sự đam mê của người phụ nữ này. 4 năm đánh vật với các căn bệnh quái ác trên hoa lan, chị Huyền “lan” cũng nắm vững kiến thức trị các căn bệnh này.
“Như hổ thêm cánh”…
8ha hoa lan là một diện tích đất mà nhiều người trồng lan nghe đến đã phát choáng. Tại đây có vài trăm ngàn gốc lan Mokara với 15 loại giống, như: đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ,… và hơn 10.000 gốc lan Denrobium, trong đó có Denro tím, Denro trắng, Denro nắng các loại…
Mỗi tuần chị bán hàng chục ngàn cành lan ra thị trường trong và ngoài nước. Theo tính toán của chị Huyền, bình quân mỗi năm doanh thu của trang trại lan này khoảng vài tỷ đồng.
Trong nông trang, những luống hoa lan khoe sắc thẳng tắp.
Giờ trang bị thêm phòng cấy mô, người phụ nữ này như “hổ thêm cánh” trong ngành trồng lan. Bất chấp ngành sản xuất hoa lan trong nước đang đối diện với một thực tế là sự cạnh tranh khốc liệt của hoa lan nhập từ Thái Lan, Đài Loan, chị Huyền vẫn tin rằng khi phòng cấy mô hoạt động trơn tru sẽ tạo ra giống lan tốt hơn, không những không còn lệ thuộc giống nước ngoài, mà còn cạnh tranh sòng phẳng.
Chị Huyển “lan” đặt tên cho nông trang của mình là “Vườn lan Huyền thoại”. Nông trại bây giờ không chỉ là điểm bán lan cắt cành, vài năm nay chị Huyền “lan” còn triển khai dịch vụ du lịch. Đến nay, vườn lan của chị Huyền đã được nhiều người biết đến, nhiều công ty du lịch xúc tiến để đưa khách đến tham quan như một điểm thưởng ngoạn mới của thành phố nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Chị Huyền cho biết, bình quân mỗi tháng vườn lan Huyền Thoại đón khoảng 10 đoàn khách, trong đó có cả những đoàn khách nước ngoài đến tham quan...
Giờ đây, mô hình trang trại hoa lan của chị Huyền đã trở thành điểm thực nghiệm cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Chị Huyền sẵn sàng hỗ trợ các hộ nông dân về giống, kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Trần Trường Sơn, hiện vườn lan của chị Huyền “lan” là mô hình nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu. Sự thành công của vườn lan đã đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp đô thị của thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.