Huyền thoại Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!"

M.T Thứ hai, ngày 04/04/2022 10:23 AM (GMT+7)
Trở lại TP.HCM trong những ngày tháng tư, nhiếp ảnh gia Nick Út đã có buổi chia sẻ xúc động trong triển lãm kỷ niệm nửa thế kỷ ngày ông chụp bức ảnh "Em bé Napal" nổi tiếng khắp thế giới.
Bình luận 0

Tối 3/4, phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng Nick Út đã xúc động kể lại cơ duyên ông chụp được bức ảnh Em bé Napal trong buổi khai mạc triển lãm của ông tại không gian nghệ thuật Lavelle Gallery (số 12 đường 12, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 1.

Huyền thoại phóng viên chiến trường Nick Út và diễn viên Đỗ Hải Yến.

Tại triển lãm trưng bày 22 bức ảnh gắn liền với sự nghiệp phóng viên chiến trường của Nick Út. Trong số đó, bức ảnh Em bé Napalm từng đoạt giải Pulitzer năm 1973 sau 50 năm vẫn còn gây xúc động với người xem trong và ngoài nước.

Trong clip ngắn, nhà nhiếp ảnh huyền thoại xúc động kể về hành trình ông đưa cô bé Kim Phúc (nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm) bị bỏng, da bị lột từng mảng, đau đớn kêu khóc tới bệnh viện trên chiếc xe của ông. 

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 2.

Nhiều khán giả xúc động khi đến xem triển lãm và xem clip về Nick Út.

Lúc đó, tất cả mọi người, kể cả phóng viên chiến trường Mỹ đã rút lui trước để gửi hình cho tòa soạn, riêng ông không đành lòng khi nhìn thấy cảnh một đám trẻ con chạy ra từ làng kêu cứu sau khi bom Nalalm ném xuống. 

Chính ông đưa bé Kim Phúc lên xe, và khi tới bệnh viện Củ Chi đã lấy thẻ nhà báo cùng "lời đe dọa cho thế giới biết" để người ta nhận cứu chữa cho cô bé cùng những đứa trẻ khác.

Nick Út xúc động nhớ lại: "Lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu cô bé chết, tôi cũng sẽ tự sát. Nếu Kim Phúc chết, bức ảnh sẽ chẳng còn giá trị gì nữa!". 

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 3.

Nick Út xúc động hồi tưởng về bối cảnh chụp bức ảnh Em bé Napalm.

Bức ảnh Em bé Napalm đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Nick Út, năm đó mới 21 tuổi, đưa ông đến giải thưởng Pulizer danh giá năm 1972, giúp thế giới nhìn nhận rõ hơn tính chất tàn bạo của cuộc chiến và cựu Tổng thống Nixon cũng phải giật mình nhìn lại. 

Thậm chí, ban đầu, cựu tổng thống Mỹ còn cho đó là bức ảnh giả, do dàn dựng. Nhưng ngay sau đó, sự thật sau bức ảnh đã làm cả thế giới rúng động.

Bức ảnh cũng khiến cho Nick Út có thêm người con gái nhỏ - Kim Phúc khi hai người thường xuyên trao đổi, gặp gỡ. 

Và ông đã chứng kiến cảnh Kim Phúc trưởng thành, hạnh phúc với công việc và gia đình của mình. Sau này, chính Kim Phúc đi khắp thế giới, làm đại sứ hòa bình để lên tiếng bảo vệ trẻ em trên thế giới.

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 4.

Những bức hình Nick Út chụp được trưng bày.

Nick Út không học hành bài bản mà tất cả kiến thức nhiếp ảnh là do người anh của ông - phóng viên chiến trường nổi tiếng Huỳnh Thanh Mỹ hướng dẫn. Chính người anh của ông đã chỉ dẫn Nick Út và chia sẻ với ông những đau khổ khi phải chứng kiến cảnh đau thương tương tàn của cuộc chiến. 

Cả đời anh của ông chỉ mơ chụp được bức ảnh mang tính cảnh tỉnh để mang lại hòa bình. Khi chụp được bức ảnh, Nick tự nói thầm với lòng mình: "Anh ơi, em đã làm được điều anh tâm nguyện rồi!".

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 5.

Bức ảnh chấn động thế giới vì sự tàn bạo của cuộc chiến.

Dù đã nghỉ hưu từ vài năm nay, Nick Út vẫn tiếp tục chụp ảnh, tác phẩm của ông hướng đến thiên nhiên, động vật. Chuyến trở về Việt Nam lần này của ông chủ yếu để làm từ thiện. 

Bên cạnh đó, ông còn sang Thái Lan, vào đảo Hải tặc khét tiếng một thời vì đội cướp giết các thuyền nhân và cướp tài sản, chôn xác người thành từng hố tập thể, để làm phóng sự ảnh với những nhân chứng còn sót lại.

"Huyền thoại" Nick Út: "Nếu cô bé chết, tôi sẽ tự sát vì áy náy không cứu được!" - Ảnh 6.

Bên cạnh các tác phẩm của Nick Út, triển lãm cũng trưng bày tác phẩm điêu khắc A Child  của điêu khắc gia người Pháp Émeric Chantier.

Tác phẩm được chạm trổ trên thực vật, kết hợp giữa nghệ thuật cây cảnh cổ xưa và kỹ thuật điêu khắc đương đại. Bức ảnh Em bé Napalm đã truyền cảm hứng cho nghệ sĩ trẻ Émeric Chantier thực hiện tác phẩm này với ý tưởng thiên nhiên và hòa bình sẽ chữa lành những vết thương chiến tranh.

Diễn viên Đỗ Hải Yến, người sáng lập phòng tranh Lavelle, đã tình cờ bắt gặp tác phẩm này khi đi Paris năm 2017 và quyết tâm bằng mọi giá phải sở hữu và đưa A Child về Việt Nam. Tác phẩm này cho thấy sức ảnh hưởng vượt thời gian, xuyên biên giới của bức ảnh Em bé Napalm.

Nick Út cho biết, vào tháng 5 tới, ông sẽ tổ chức triển lãm nhân 50 năm bức ảnh Em bé Napalm tại Ý. Nhà nhiếp ảnh và cô Kim Phúc sẽ được diện kiến Đức Giáo hoàng Francis dịp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem