Internet tác động tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam

Thứ tư, ngày 25/04/2012 11:16 AM (GMT+7)
Dân Việt - Sáng nay 5.4 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam”.
Bình luận 0

Cuộc Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài như Google, Intel, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. Đặc biệt, tại buổi hội thảo, Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company cũng đã công bố kết quả khảo sát trong báo cáo “Trực tuyến và xu hướng sắp tới: “Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên”.

img
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, tổ chức và các chuyên gia

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: “Liên tục trong những năm qua, Internet đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam với hơn 30 triệu người dùng Internet trên tổng số gần 90 triệu người dân. Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy lĩnh vực này là một hướng đi mới, đầy triển vọng tạo nên sự đột phá để đưa nền kinh tế của Việt Nam vươn ra thế giới”.

McKinsey đã tiến hành nghiên cứu tại 30 nước, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 19% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet. Báo cáo của McKinsey đã đo lường sự đóng góp của Internet đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Internet đóng góp 0,9% trong GDP, trong đó có một phần đáng kể đến từ mảng tiêu dùng cá nhân, và đóng góp 1,6% trong tổng số 14,4% mức tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Mặc dù đã có được tốc độ phát triển vượt bậc trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục kỳ vọng sẽ đạt được những “kỳ tích” mới về phát triển Internet trong thời gian tới. Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9.2010, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu).

Về phổ cập thông tin, Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2015: 20 - 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng; đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50 - 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trong đó 25 - 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang.

Ông Nguyễn Thế Hào, Chủ nhiệm Câu lạc bộ báo chí Công nghê thông tin Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hy vọng qua Hội thảo này, những chia sẻ đến từ cơ quan quản lý, Hiệp hội nghề nghiệp và nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vu Internet hàng đầu của Việt Nam và quốc tế sẽ giúp các đơn vị có được tầm nhìn và thông tin để họ có thể xây dựng những kế hoạch phát triển để đạt được các mục tiêu nêu trên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem