IPU 132: Ra nghị quyết buộc tôn trọng chủ quyền quốc gia

Thúy Đăng Thứ ba, ngày 31/03/2015 06:38 AM (GMT+7)
Ngày 30.3, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132) diễn ra tại Hà Nội, Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền đã hoàn chỉnh và thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.
Bình luận 0

Không can thiệp công việc nội bộ của nhau

Dựa trên những nội dung đã được thống nhất trong Đại hội đồng IPU 131 trước đó, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia, nghị quyết phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào giữa các chủng tộc, sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay trạng thái khác... Nghị quyết cũng lưu ý đến tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý quốc tế hiện hành về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện tại về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

img
Đại biểu đoàn Trung Quốc biểu quyết thông qua Nghị quyết tại IPU 132 ngày 30.3.     Đ.T

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền Đại hội đồng IPU132 đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” ở cấp Ủy ban và sẽ trình lên Đại hội đồng.

Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng đời sống quốc tế hiện nay là: Luật pháp quốc tế, Chủ quyền quốc gia và Quyền con người. Dự thảo nhấn mạnh, các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và xem luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia và các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, bên cạnh việc tôn trọng đề cao luật pháp quốc tế, thì các quốc gia cũng không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và phải tôn trọng chủ quyền quốc gia thành viên.

Việt Nam đề cao chủ quyền quốc gia

Ông Lê Minh Thông cho hay, Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận dự thảo nói trên tại kỳ Đại hội đồng lần trước.

Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế, đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia; không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thực chất luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán.

Nghị quyết này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống ngày nay. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Trong đó nhấn mạnh quyền phụ nữ, quyền những người tị nạn và quyền trẻ em. Đó là những vấn đề cơ bản các nước quan tâm khi xử lý những vấn đề toàn cầu có liên quan tới con người. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem