Israel 'nổi cáu' trả đũa Mỹ, quan hệ giữa ông Biden-Netanyahu cực căng thẳng
Israel 'nổi cáu' trả đũa Mỹ, quan hệ giữa ông Biden-Netanyahu cực căng thẳng
Phương Đăng (theo Washington Post)
Thứ ba, ngày 26/03/2024 15:49 PM (GMT+7)
Thủ tướng Netanyahu vừa hủy chuyến thăm của phái đoàn cấp cao tới Washington để bày tỏ thái độ "khó chịu" ra mặt với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 bên ngày càng gia tăng, đặc biệt sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo Washington Post, các quan chức Mỹ đã tỏ ra "ngạc nhiên và thất vọng" trước động thái đột ngột hủy chuyến thăm chính thức cấp cao của Israel tới Mỹ để thảo luận về hoạt động quân sự của Israel tại Rafah.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết, họ đã nói rõ với những người đồng cấp Israel trong các cuộc đàm phán không ngừng nghỉ cuối tuần qua về khả năng Mỹ sẽ bỏ phiếu trắng - thay vì phủ quyết - nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai 25/3.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ngạc nhiên về phản ứng của Israel sau cuộc bỏ phiếu trắng: Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đột ngột hủy chuyến thăm của phái đoàn cấp cao tới Washington, vốn diễn ra theo yêu cầu của Tổng thống Biden để thảo luận về những lo ngại của Mỹ liên quan đến kế hoạch quân sự của Israel tại thành phố Rafah, phía nam Gaza.
"Có vẻ như văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chọn phản ứng thái quá, dù họ không cần phải làm như thế", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 25/3.
"Chúng tôi cảm thấy bối rối với quyết định của Israel. Đó là nghị quyết không mang tính ràng buộc, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng Israel tiếp tục cuộc chiến chống Hamas", ông Kirby chia sẻ thêm và nhấn mạnh rằng, quyết định của Israel là đáng thất vọng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hôm 25/3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi một lệnh ngừng bắn "ngay lập tức" giữa Israel và Hamas ở Gaza trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thông qua được nghị quyết này kể từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát, khi trước đó các thành viên thường trực thường bất đồng về mặt quan điểm.
Về phần mình, Mỹ đã bỏ phiếu trắng, trong khi 14 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết bà bỏ phiếu trắng thay vì bỏ phiếu ủng hộ, vì nghị quyết không bao gồm nội dung lên án Hamas.
Những diễn biến mới trên đang phơi bày ngày càng rõ ràng hơn mối quan hệ rạn nứt ngày càng lớn giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu, theo Washington Post.
Ông Biden - vốn là người ủng hộ Israel nhiệt tình, từng bày tỏ với Thủ tướng Netanyahu rằng: “Tôi quý mến ông, ngay cả khi tôi không thể chịu đựng được ông”. Tổng thống Mỹ đã ủng hộ Israel mạnh mẽ đến mức ngay cả khi ông Netanyahu công khai "đối đầu" với Mỹ trong hầu hết các vấn đề lớn, bao gồm cả mong muốn của chính quyền Biden để thành lập một nhà nước Palestine, tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, kế hoạch tấn công quy mô lớn của Israel vào Rafah...
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ông Biden đã phải chịu áp lực chính trị trong nước và quốc tế to lớn đến mức phải công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Israel và chính phủ cực hữu của ông Netanyahu vì cuộc chiến đẫm máu ở Gaza.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Israel cũng được cho là không nỗ lực liên hệ trực tiếp với ông Biden và thậm chí sau cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hôm 25/3, ông Netanyahu cáo buộc Mỹ đã “từ bỏ chính sách của mình tại Liên Hợp Quốc ngày hôm nay. ... Đáng tiếc là Mỹ đã không phủ quyết nghị quyết mới kêu gọi ngừng bắn”.
Cuối tuần qua, Israel cho biết họ sẽ không còn cho phép UNRWA, cơ quan viện trợ chính của Liên Hợp quốc hoạt động tại Gaza, thực hiện bất kỳ hoạt động vận chuyển nhân đạo nào tới miền bắc vùng đất này. Bất chấp sự thúc giục của Mỹ, Israel đã từ chối thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tốc độ di chuyển của xe tải viện trợ vào và qua Gaza, dẫn đến việc Tổng thống Biden phải ra lệnh cho quân đội Mỹ thả các gói thực phẩm xuống Gaza bằng đường hàng không và xây dựng một bến tàu tạm thời trên bờ biển Gaza để bắt đầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển...
Chính quyền Mỹ cũng đặc biệt tức giận trước các hoạt động gây hấn của quân đội Israel và những người định cư chống lại người Palestine ở Bờ Tây, cùng với những thông báo về việc lập các khu định cư mới mà họ mô tả là bất hợp pháp.
Các quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo Israel rằng các công trình xây dựng mới sẽ làm suy yếu an ninh lâu dài của nước này bằng cách khiến người dân Palestine tức giận và cực đoan hơn nữa, đồng thời ngăn cản khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước.
Xung đột ở Gaza bùng phát từ ngày 7/10/2023, khi nhóm vũ trang Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.160 người thiệt mạng. Hamas bắt 250 người làm con tin và Israel cho rằng trong số 130 con tin vẫn còn ở Dải Gaza, 33 người đã chết.
Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết chiến dịch quân sự của Israel ở dải đất đã khiến hơn 32.000 người chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.