Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở Đức ngày 3.2, ông Barak tránh xác nhận trực tiếp vụ tấn công trên, song nhấn mạnh: "Đó là một minh chứng khác cho thấy sự thẳng thắn trong suy nghĩ và lời nói của chúng tôi.
Tôi không thể bổ sung thêm gì đối với thông tin báo chí đề cập về sự việc xảy ra ở Syria cách đây vài hôm... Chúng tôi không nghĩ rằng có thể cho phép việc đưa các hệ thống vũ khí tiên tiến từ Syria vào Lebannon, cho phong trào Hezbollah, khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ".
|
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak. |
Trong khi đó, tờ The Sunday Times số ra ngày 3.2 cho biết Israel đang cân nhắc việc thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria để bảo vệ chính quốc gia Trung Đông này trước những kẻ Hồi giáo thánh chiến toàn cầu "sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ".
Kế hoạch này sẽ thiết lập một dải vùng đệm kéo dài hơn 16 km ở Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã chiếm được trong cuộc chiến năm 1967. Trong giai đoạn đầu, hai lữ đoàn bộ binh Israel và một tiểu đoàn xe tăng sẽ được triển khai trong lãnh thổ Syria.
Lời nhận xét của ông Barak đã nhanh chóng bị hãng thông tấn nhà nước của Syria (SANA) chỉ trích. “Tuyên bố là một gợi ý công khai rằng, cuộc tấn công mà Israel thực hiện gần đây là nhằm mục tiêu vào một chuyến hàng vũ khí”, SANA bình luận.
Trước đó, truyền thông phương Tây đưa tin, Israel đã tiến hành không kích nhằm vào các tên lửa đất đối không và một tổ hợp quân sự lân cận được cho là kho chứa vũ khí hóa học ở Syria ngày 30.1.Báo Washington Post cho biết, Israel không phải tấn công trung tâm mà tiêu diệt một đoàn vận tải tên lửa phòng không do Nga sản xuất đến Lebanon. Theo một phương án khác, đoàn xe có thể chở các tên lửa chống hạm Yakhont hoặc thậm chí tên lửa chiến lược tầm ngắn Skat.
Ngay sau khi có phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Isarel, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Israel phát động một cuộc "khủng bố nhà nước", đồng thời lên án vụ không kích của Tel Aviv nhằm vào Syria là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bình luận: "Những ai đã đối xử với Israel như với một đứa trẻ hư nên lường trước mọi điều từ họ, ở bất cứ lúc nào. Tôi đã nói rất nhiều lần rằng Israel có tâm lý tiến hành khủng bố nhà nước. Những gì Israel làm là hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế... vượt quá mọi sự lên án...". Ông Erdogan cũng nói rằng Israel đang lợi dụng những tuyên bố về việc vận chuyển vũ khí vào Lebannon làm "cái cớ" để biện minh cho hành động của mình.
Nga cũng đã lên án hành động của Israel là những đòn tấn công không hề bị khiêu khích vào các mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia có chủ quyền. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Hành động như vậy vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ và là không thể chấp nhận, dù có được bào chữa bởi bất cứ động cơ nào”.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, ngày tàn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn chưa điểm. Nhiều đồng minh chủ chốt của ông Assad tin rằng ông vẫn có thể tiếp tục tại vị thêm một năm nữa. Đó cũng là thực tế đau đớn mà một số kẻ thù của ông đã bắt đầu phải thừa nhận.
Cộng đồng quốc tế đã đạt đồng thuận rằng cuộc chiến Syria nên chấm dứt, nếu không ngọn lửa chiến tranh sẽ tràn sang các nước khác trong khu vực. Hiện bất đồng chính giữa các lực lượng đóng vai trò chủ chốt tại Syria là liệu ông Assad có thể tham gia tranh cử trong cuộc cuộc bầu cử vào năm 2014 hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi thống nhất được về mọi vấn đề, tất cả trong số họ đều biết rằng tiếng súng tại Syria vẫn chưa thể dứt và bất cứ ai lên nắm quyền đều sẽ phải đối mặt với một vấn đề gai góc hơn, đó là tình trạng giống như ở Afghanistan hiện nay.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.