Ít đất bực quá, chuyển qua nuôi thỏ, ăn tốn cỏ, 2 tháng có 60 triệu

Văn Long Thứ ba, ngày 26/12/2017 13:15 PM (GMT+7)
Trồng trọt không hiệu quả vì đất ít, bực quá, anh Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi), xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chuyển qua nuôi đàn thỏ hàng nghìn con. Kết quả, tuy chúng ăn tốn cỏ nhưng bình quân mỗi tháng anh Dũng lãi ròng 30 triệu đồng, cứ 2 tháng có 60 triệu...
Bình luận 0

Cái khó ló…con tai dài

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ giúp cha mẹ làm vườn trồng rau, thế nhưng: “Với công việc của gia đình tôi thì chỉ đủ ăn, theo cái vòng được giá mất mùa, được mùa mất giá. Thêm vào đó, đất đai ít, muốn làm giàu cũng khó, bực quá nên tôi phải nghĩ ra cách gì đó. Tôi nghĩ chỉ có chăn nuôi mới thoát nghèo được. Nuôi thỏ ít người nuôi được và vốn đầu tư không quá lớn, có thể tận dụng được rau thải loại hay cỏ cây để chăn nuôi. Tính thế, nên năm 2005 tôi quyết định nuôi bỏ trồng trọt chuyển qua nuôi thỏ để thoát nghèo”, anh Dũng nhớ lại.

img

Những chú thỏ tai dài đã giúp anh Nguyễn Văn Dũng từ hộ nghèo trở nên hộ khả giả trong vòng hơn 10 năm qua. 

Với 60 con thỏ giống Newzeland mua ban đầu, thất bại và khó khăn là 2 từ để miêu tả rõ nhất khoảng thời gian đầu khi nuôi thỏ của anh Dũng. Kinh nghiệm chưa có, cách chăm sóc vật nuôi chưa rành, vì vậy thỏ của anh liên tục bị bệnh rồi chết, có lúc chúng chết nhanh như ngã rạ, ai trông vào cũng xót xa. Không nản lòng, anh quyết tìm hiểu nguyên nhân thỏ chết và gây dựng lại mô hình nuôi thỏ cho bằng được...

Anh Dũng kể, có lần anh học theo cách hướng dẫn trên mạng Internet, làm nệm lót sinh học để cho thỏ ở, nhưng vẫn thất bại, thỏ lại chết như ngả rạ. Cảnh tượng quá thảm thương cho cả chủ lẫn vật nuôi-hơn một nghìn con thỏ chết la liệt, ông chủ đành phải đem tiêu hủy. “Nệm lót sinh học là tôi rải một lớp trấu, một lớp mùn cưa rồi rắc một lớp men sinh học lên để phân hủy phân và nước tiểu của thỏ. Tôi chia làm nhiều ô, mỗi ô thả 400 – 500 con, nhưng không ngờ thất bại”, anh Dũng kể lại.

img

Một góc khu khu nuôi thỏ giống trong trang trại nuôi đàn tai dài của anh Nguyễn Văn Dũng.

Sau đận ấy, nhiều người can anh Dũng: "Giàu nghèo nó có số, đừng có cố rồi có ngày ngây dại vác 1 đống nợ vào người". Ấy nhưng anh Dũng vẫn không nao lòng, kiên trì học hỏi, tìm hiểu thêm về con thỏ. Và ông trời không phụ lòng người có chí, có tâm, đến nay trại thỏ của anh Dũng đã có hàng nghìn con, lúc cao điểm lên đến 5.000 chú thỏ thương phẩm khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Đàn thỏ nái sinh sản 300 luôn được anh Nguyễn Văn Dũng duy trì để cung cấp giống cho chính trại của gia đình.  

Thành công nhờ ý chí và ham học hỏi

Với 300 con thỏ nái sinh sản, cứ 2 tháng đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 nái đẻ từ 8 – 12 con, 1 năm 5 lứa, trại thỏ của anh Nguyễn Văn Dũng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, có khi anh phải nhập thỏ thương phẩm từ các trại của bạn trong nghề. Để quảng bá các món ăn từ thịt thỏ và giúp đẩy thêm sản lượng tiêu thụ, tháng 7 vừa qua anh Dũng đã mở thêm quán nhậu chuyên các món thỏ nên lượng thỏ thương phẩm tiêu thụ khá nhanh, khiến có lúc anh liên tục thiếu thỏ để thịt.

Đến trại thỏ của anh Dũng, ai cũng phải ngạc nhiên bởi sự sắp xếp khoa học. Mỗi chú thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5m2, mỗi ô đều được gắn một mã để theo dõi ngày phối giống, màu lông cũng như ngày đẻ của thỏ mẹ. Trại được trang bị hệ thống nước uống tự động và có quạt để điều chỉnh nhiệt độ, trời nắng nóng sẽ giúp thỏ mát, hơn nữ giúp thỏ không bị bệnh nấm da. Lồng nhốt thỏ làm bằng thép nhúng chì nên sẽ không bị gỉ, tuổi thọ cao hơn so với những loại lồng khác. 

img

Trong trại thỏ của anh Dũng, những chiếc bảng ghi rõ thông tin màu lông, ngày phối giống cũng như ngày đẻ của thỏ giống trong trại.

Anh Dũng cho biết, trại của anh chủ yếu là thỏ New Zealand và California. Đây là 2 loại thỏ có chất lượng thịt cao, khỏe mạnh, ít bệnh tật nên được anh Dũng tin dùng. Thức ăn chủ yếu anh cho thỏ ăn là cỏ. “Tôi cho thỏ ăn 70% cỏ và 30% cám để tăng cường dinh dưỡng cho chúng. Hai loại cỏ tôi thường dùng là Alfalfa và cỏ Stylo, hai loại này tôi đều trồng được với diện tích 10.000m2”, anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ. 

img

Anh Nguyễn Văn Dũng đang kiểm tra thông tin của một chú thỏ giống. 

Anh Dũng cho biết thêm, thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân hai ba ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng, loại bệnh này cách trị rất dễ, chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh. Để phòng bệnh, anh Dũng còn tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán.

img

Anh Nguyễn Văn Dũng đang cho thỏ con ăn thêm cám để tăng dinh dưỡng, khỏe mạnh, lớn nhanh, đảm bảo chất lượng thịt.

Hiện nay, với giá bán thỏ thịt đã làm sẵn 130 nghìn/kg, thỏ hơi 85 nghìn/kg, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Dũng bán ra khoảng 20kg thịt làm sẵn, tính ra mỗi tháng anh lãi ròng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn bán thỏ giống cho người dân trong vùng với giá ưu đãi chỉ 140 nghìn/kg. Thị trường thỏ thịt, thỏ giống của anh chủ yếu trong tỉnh Lâm Đồng, các nhà hàng, quán nhậu và dịch vụ tiệc cưới...Vậy là sau bao nhiêu phen tưởng như kiệt quệ vì đàn tai dài, giờ đây gia đình anh Dũng lại khá giả, thu nhập ổn định nhờ loài vật nuôi dễ thương này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem