Nguyễn Văn Công
Thứ bảy, ngày 27/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Xã tôi nhỏ chỉ có hai làng nên thường gọi là làng trên, làng dưới (xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ngoài tên hành chính, làng tôi còn được gọi là làng Đắng, làng trên gọi là làng Giai với giọng điệu có phần "thù địch" nhau.
Ngay từ nhỏ, lũ trẻ con trong làng tôi đã bảo với nhau rằng cấm chỉ được chơi với bọn làng Giai kể cả là học cùng lớp hay thậm chí họ hàng. Tôi hồi đó cũng không hiểu lý do vì sao, chỉ biết cứ hễ nhìn thấy bọn làng Giai là ghét vô cùng, từ trai đến gái. Ở làng tôi, những đứa trẻ nào có mẹ ở làng Giai đều bị kỳ thị và chẳng ai thèm chơi. Gọi là làng trên chứ cách nhau có con đường, hồi nhỏ tôi cũng chưa từng đặt chân vào làng Giai vì gần như sẽ bị ăn đánh và ngược lại bọn con trai làng tôi cũng chẳng vừa. Tôi từng chứng kiến mấy đứa làng Giai "đi lạc" vào làng tôi và bị ăn tẩn túi bụi.
Tên hành chính của làng tôi là Yên Phú, tức yên bình và trù phú, tên gọi Đắng hay kẻ Đắng không biết từ đâu mà ra, chỉ biết là người làng Giai gọi nhiều nhất, đặc biệt ở những nơi như chợ Vồi, chợ Hà Vỹ họ đều giới thiệu làng tôi đúng theo cách đắng ngắt. Còn tên chính thức của làng Giai là Văn Trai, trước là Quán Giai và nếu đọc ngược lại sẽ liên quan đến một câu chuyện của quan huyện. Làng tôi cũng chơi lại chẳng kém, họ gọi là làng Giai hoặc làng Ề vì giọng nói của làng họ luôn kèm chữ "ê" hoặc "ề" cuối câu và kéo dài nó.
Vào năm tôi học lớp 2, lớp tôi là lớp B chỉ có người ở Yên Phú đã đánh nhau với lớp C chỉ toàn Văn Trai. Cả lớp xông vào nhau đấm đá túi bụi mà chẳng rõ nguyên nhân, chẳng rõ kết quả, điều đó càng làm cho lòng sân hận giữa hai làng tăng lên.
Hai làng tuy sát nhau, uống chung dòng nước sông Hòa Bình (nhánh của sông Nhuệ) nhưng lại có cách sản xuất và tập tục khác nhau. Nếu làng tôi tập trung trồng rau củ quả quanh năm thì làng Giai chăm chỉ đi học hành hơn, họ chẳng mấy khi làm đồng cho dù đất có bỏ hoang. Người làng tôi thường làm đồng từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, ăn cơm rất muộn thì người làng Giai lại để nhiều đất hoang, họ ăn cơm sớm và thường có xu thế đi chơi, đi tìm hiểu những thú vui mới lạ.
Làng tôi vốn gốc ở làng Lộc Dư, một làng sát làng tôi ở phía nam, còn làng Giai gốc ở mạn phía tây, anh em với làng Chiếc, mà đã là anh em, gốc gác rồi thì sẽ thân nhau hơn. Ấy vậy, sau khi hòa bình lập lại năm 1954, làng tôi và làng Giai lại được ghép chung vào một xã, cũng chính vì sự khác nhau về gốc gác đó mà phải ở chung một nhà nên cũng là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn.
Ngay như ở trong chính quyền xã, làng nào cũng muốn người làng mình giữ các chức vụ chủ chốt hơn, không nói đến việc người làng nào ưu ái làng đó mà chỉ đơn giản người ta nghĩ rằng làng mình "làm quan trên" so với làng kia, nghiễm nhiên địa vị sẽ cao hơn và có thể vênh mặt.
Mấy mươi năm như mặt trăng, mặt trời vời nhau, hai làng từ mối quan hệ cộng đồng đến cá nhân chưa bao giờ thân mật. Tôi còn nhớ, có năm học lớp 4, lớp tôi được nhà trường phân cho một thầy giáo chủ nhiệm là người làng Giai, còn lớp C thì được phân một cô giáo chủ nhiệm người làng Đắng. Lũ học sinh lít nhít hồi đó phản ứng dữ dội vì Ban giám hiệu hầu hết là người nơi khác đến, họ chưa nắm bắt được tình hình cũng như mối quan hệ giữa hai làng. Ngay những buổi vào lớp đầu tiên, thầy cô giáo chủ nhiệm đã không thể quản được lớp và dĩ nhiên, Ban giám hiệu đã phải hoán đổi giáo viên chủ nhiệm giữa hai lớp B và C.
***
Khi xã hội bước sang một bước tiến hiện đại, thế giới dần phẳng hơn, văn hóa cũng hội nhập khiến cho mọi người hiểu về nhau hơn, bao dung hơn, thì khoảng cách giữa làng tôi và làng Giai gần lại với nhau hơn. Họ nhận ra rằng, sự khác biệt giữa làng này với làng kia chẳng làm ảnh hưởng đến ai cả, cần phải tôn trọng sự khác biệt. Họ thấy rằng, yêu con gái làng bên cũng nhiều điều mới lạ và chẳng việc gì phải "bảo vệ gái làng, sẵn sàng đổ máu" cả. Dần dần người dân hai làng có "hộ chiếu" đi lại tự do trong làng nhau mà chẳng phải dè chừng như năm nào. Mọi thứ tuyên truyền trước đây về sự "thù địch" nhau cũng dần tan biến, đó có thể chỉ là mâu thuẫn cá nhân bị kích động lên đỉnh điểm, đó là sự a-zua để tạo ra những cuộc vui có thể đổ máu và sự miệt thị thể hiện lòng hẹp hòi và ích kỷ.
Hồi năm 2015, làng Giai được công nhận là làng văn hóa và được công nhận là nông thôn mới trước làng tôi, nhiều người thuộc thế hệ lão làng từng có những miệt thị, chê bôi làng Giai từ góc nhìn của mình nhận ra điều không đúng. Làng họ sạch đẹp hơn làng mình, ít tệ nạn xã hội hơn, cộng đồng thường xuyên sinh hoạt, đoàn kết hơn làng mình thì họ xứng đáng được nhận danh hiệu văn hóa, còn nếu cứ giữ khư khư hủ tục, cho mình là nhất thì không biết bao giờ mới mở mày mở mặt được. Cũng từ tấm gương phản chiếu đó mà làng tôi cũng cựa mình để thay đổi, thay đổi từ cái tư duy đã mòn mỏi bao nhiêu năm để tiến lên văn hoá, nào thì đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, nào bê tông hóa đường làng ngõ xóm, xây dựng phong trào thanh niên, phụ nữ thôn và rồi mới đây làng tôi cũng vinh dự được đón nhận danh hiệu làng văn hóa.
Con đường ngăn cách hai làng nay đã có xe buýt chạy qua. Mỗi sáng hàng chục sinh viên, người dân hai làng cùng đứng chờ điểm xe buýt, mấy anh lái xe vui tính nói "điểm xe buýt này đông quá, toàn sinh viên đi học, hai làng này chắc hiếu học lắm", nghe vậy mà cả người làng Đắng lẫn làng Giai đều ấm lòng, họ sẵn sàng nhường ghế ngồi cho nhau, hỏi về cách đi xe buýt, hỏi về cuộc sống của nhau thay vì những ánh mắt như viên đạn của hàng chục năm trước.
Cái tên xã Văn Phú chính là ghép từ Văn của Văn Trai và Phú của Yên Phú lại với nhau, chẳng hà cớ gì mà hai làng lại không đoàn kết, gắn bó và thương nhau như hai người anh em cả.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.