Kẻ đập phá 42 ngôi mộ ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 24/02/2024 07:33 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia, pháp luật không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người còn sống mà còn bảo vệ sự toàn vẹn thi thể, mồ mả, hài cốt, tro cốt của người chết. Vì vậy, hành vi đập phá 42 ngôi mộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Bình luận 0

Vi phạm pháp luật hình sự

Liên quan đến vụ 42 ngôi mộ ở nghĩa trang Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị đập phá, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ việc gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt gây bất an đối với các gia đình có mộ bị phá.

Kẻ đập phá 42 ngôi mộ ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Các ngôi mộ chủ yếu bị đập phá bát hương. Ảnh: Đình Việt

Ông Cường cho rằng, nếu hành vi đập phá một hai ngôi mộ của một gia đình nào đó, có thể là nguyên nhân do mâu thuẫn cá nhân hoặc do người tâm thần, do trẻ em nghịch ngợm mà thực hiện.

Còn việc đập phá đến 42 ngôi mộ trong một nghĩa trang, hành vi này rất bất thường, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của đối tượng và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người còn sống mà còn bảo vệ sự toàn vẹn thi thể, mồ mả, hài cốt, tro cốt của người đã chết, duy trì phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương về an táng người quá cố.

Vì thế, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến mồ mả, thi thể, hài cốt của người khác là vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự.

Vị chuyên gia thông tin, để chứng minh tội phạm trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần chứng minh hậu quả xảy ra là nguy hiểm cho xã hội, đồng thời chứng minh về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự.

Nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi là người đã đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đập phá mồ mả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý theo Điều 319 Bộ luật hình sự.

Còn trường hợp đối tượng thực hiện hành vi là người tâm thần thì sẽ không bị xử lý hình sự nhưng bắt buộc phải đi chữa bệnh.

Đã xác định được nghi phạm

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Quân – Tổ trưởng Tổ dịch vụ nghĩa trang Tây Mỗ cho biết, sự việc sự việc được phát hiện ngày 16/2, tức mùng 7 Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ban đầu phát hiện khoảng chục ngôi mộ bị phá.

Theo ông Quân, ngay sau khi phát hiện sự việc, Tổ dịch vụ nghĩa trang đã báo cáo phường. Sau đó, ngày 17/2, lực lượng công an có xuống làm việc. Tuy nhiên, đến đêm 18/2, hơn 30 ngôi mộ khác lại tiếp tục bị đập phá.

Tổ trưởng Tổ dịch vụ nghĩa trang Tây Mỗ khá bất ngờ với sự việc này, bởi từ trước tới nay tại đây chưa bao giờ xảy ra chuyện tương tự.

Công an quận Nam Từ Liêm đã xuống hiện trường hai lần và đang vào cuộc điều tra, hiện chưa có thông tin về đối tượng đập mộ.

Trong khi đó, chỉ huy Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, tiếp nhận thông tin từ UBND phường và người dân, xác định tính chất nhạy cảm của vụ việc, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng, công an quận đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an phường Tây Mỗ tập trung điều tra làm rõ.

Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Công an quận Nam Từ Liêm đã bước đầu xác định nghi phạm là một nam thanh niên sinh sống tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem