Kê khai và công khai

Thứ tư, ngày 05/03/2014 14:21 PM (GMT+7)
Hôm qua, sau khi một tờ báo đăng bản kê khai tài sản vào năm 2011 của một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), nhiều người đã thực sự “giật mình” với khối tài sản được cho là khá “khủng”.
Bình luận 0
Cụ thể, về bất động sản, vị này kê có 2 nhà gồm: Nhà thứ nhất diện tích 114m2 đất, xây 5 tầng. Nhà thứ 2 ở diện tích 248m2, xây 5 tầng. Có 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh. Về tài chính: Là cổ đông có tới hàng trăm nghìn cổ phiếu ở nhiều ngân hàng khác nhau… Ngoài ra, vị lãnh đạo này đang gửi trong một ngân hàng hơn 7 tỷ đồng.

Người dân đã, đang và hoàn toàn có quyền “giật mình” với những con số “khủng” về đất đai, cổ phiếu và tiền gửi nhà băng, khi những con số đó lại thuộc sở hữu của vị quan chức một ngành nhạy cảm như TTCP; nhất là khi không có cơ hội tiếp cận với bản giải trình nguồn gốc khối tài sản đó, những dấu hỏi xuất hiện trong dư luận như một điều tất yếu.

Không biết do vô tình hay hữu ý, trước đó vài ngày, dư luận còn chưa ngớt xôn xao về khối tài sản của một vị cựu lãnh đạo TTCP. Đó là ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng TTCP. Sau khi khối tài sản cùng căn biệt thự được đưa lên công luận, ông Truyền cũng đã phải lên tiếng phân trần về nguồn gốc các tài sản đó cùng lời khẳng định “sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để chứng minh nguồn gốc tài sản của mình”. Như vậy, rõ ràng việc công khai bản kê khai tài sản của các quan chức trước công luận đã phần nào phát huy tác dụng giám sát, minh bạch hóa.

Lâu nay, biện pháp kê khai tài sản - dù vẫn bị coi là hình thức, nhưng vẫn được đánh giá là một công cụ quan trọng và hữu hiệu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2012 đã bổ sung, mở rộng phạm vi công khai của bản kê khai tài sản: Nếu như trước kia các bản kê khai tài sản thuộc dạng tài liệu mật lưu trong hồ sơ cán bộ, chỉ những cấp có thẩm quyền mới được biết đến thì nay nó được công khai trong đơn vị, tổ chức đó.

Ở Nga, mỗi năm Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đều phải công khai bản kê khai tài sản của mình trên mạng để mọi người biết và cùng giám sát. Tương tự, các đời tổng thống Hoa Kỳ cũng phải công khai với người dân về tất cả tài sản của mình, thậm chí cả những món quà được tặng trong các chuyến viếng thăm ngoại giao....

Với Việt Nam, nếu như phạm vi công khai các bản kê khai của các quan chức Chính phủ được mở rộng đến với người dân, chắc hẳn độ minh bạch và sự giám sát của nhân dân với những bản kê khai đó sẽ được nâng lên mức tối đa.

Nói vậy để thấy, niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến chống tham nhũng, vào sự liêm chính của bộ máy công quyền, được xây dựng không phải bởi những lời hô hào mà phải bằng những nỗ lực cụ thể - dù lớn hay nhỏ - nhưng đích hướng tới là sự minh bạch và công khai, như Thủ tướng Chính phủ nêu trong Thông điệp đầu năm 2014.
Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem