Kênh YouTube của Samsung đang phát trực tiếp bị khóa vì phần mềm lậu: Chuyên gia công nghệ phân tích gì?

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 11/07/2024 11:31 AM (GMT+7)
Một sự cố hi hữu đã xảy ra trong buổi ra mắt sản phẩm của Samsung khi chiếc máy tính dùng để phát livestream (trực tiếp) bị gián đoạn vì... hiện lên cảnh báo cài đặt ứng dụng Adobe lậu (không phép/không bản quyền).
Bình luận 0

Theo đó, tối 10/7, Samsung Việt Nam tổ chức phát livestream (trực tiếp) sự kiện ra mắt Samsung Galaxy Z Fold6 và Z Flip6 trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Một sự cố bất ngờ xảy ra khi màn hình máy tính của đơn vị livestream tại Việt Nam xuất hiện thông báo "Ứng dụng không được phép của bạn đã bị vô hiệu hóa. Hãy thay thế ứng dụng đó bằng ứng dụng Adobe chính hãng".

Dựa theo dòng thông báo này có thể thấy đơn vị livestream đã sử dụng phần mềm Adobe bẻ khóa (crack) chứ không phải dùng thử (thường là 30 ngày) theo chính sách của nhà phát triển. Nói cách khác, đây là hành vi dùng phần mềm lậu, và ở Việt Nam bị nghiêm cấm cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc - quốc gia "cha đẻ" của thương hiệu Samsung.

Kênh YouTube của Samsung đang phát trực tiếp bị khóa vì phần mềm lậu: Chuyên gia công nghệ phân tích gì?- Ảnh 1.

Kênh YouTube của Samsung đang phát trực tiếp bị khóa vì phần mềm lậu. Ảnh chụp màn hình.

Anh Văn Thanh, người xem buổi livestream ra mắt tối qua bày tỏ sự không hài lòng: "Tôi là một fan của Samsung và sử dụng nhiều sản phẩm của hãng. Một sự cố như thế này là điều không nên xảy ra vì ảnh hưởng đến uy tín của một thương hiệu toàn cầu".

Trả lời PV Dân Việt, chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh nói: "Dùng phần mềm bẻ khóa là việc làm tối kỵ với các công ty, thương hiệu lớn vì làm vậy chẳng khác nào dẫn lối cho hacker xâm nhập vào hệ thống, tạo thời cơ cho hacker đánh cắp, mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware),... Điều quan trọng hơn cả là hành vi đó dễ đánh mất niềm tin, uy tín trong mắt các đối tác, khách hàng".

Phân tích thêm về câu chuyện dùng phần mềm lậu, ông Ngô Anh cho rằng, mặc dù tại Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt những năm qua nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại.

"Bẻ khóa phần mềm, dùng phần mềm bẻ khóa là câu chuyện không phải xa lạ. Từ 10-15 năm trước, trên khắp các diễn đàn về công nghệ thông tin, đã có không ít những bài viết truyền tay chia sẻ về việc làm này, đặc biệt với ứng dụng Adobe. Gần đây, Adobe và nhiều ứng dụng khác như Microsoft Office cũng làm rất chặt bản quyền", ông Ngô Anh nói.

Chưa đầy 2 tháng trước, Liên minh Phần mềm (BSA) có trụ sở chính tại Washington, DC, Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà chức trách Việt Nam chung tay tăng cường kiểm tra và thực thi các hành động liên quan đến việc sử dụng phần mềm không bản quyền trong doanh nghiệp. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền của các doanh nghiệp Việt Nam đang gia tăng đáng kể.

“Việc sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn tiếp tục phổ biến ở Việt Nam là điều đáng báo động. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt thông qua việc tăng cường kiểm tra xử phạt và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp hãy hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này. Thực tế chỉ ra rằng, việc sử dụng phần mềm được cấp phép là tuyến phòng thủ đầu tiên tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh mạng”, ông Adam Coates bày tỏ.

Bẻ khóa phần mềm là gì?

Crack phần mềm hay còn gọi là bẻ khóa phần mềm – đây là một cụm từ mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nó ám chỉ một phần mềm có bản quyền bị bẻ khóa để được sử dụng miễn phí. Đối với các phần mềm miễn phí thì chúng ta sẽ không cần phải bẻ khóa. Chỉ với các phần mềm trả phí thì các Cracker trên thế giới mới tìm cách bẻ khóa để sử dụng nó một cách miễn phí. Thông thường, các phần mềm trả phí chỉ cho phép bạn sử dụng thử trong 1 khoảng thời gian nhất định, ví dụ như 15 ngày hoặc là 30 ngày tùy từng phần mềm.

Và sẽ bị giới hạn tính năng ở các phiên bản dùng thử hoặc phiên bản miễn phí. Nếu như muốn sử dụng đầy đủ chức năng có trong phần mềm đó thì phải bỏ ra một khoản tiền để mua mã kích hoạt. Tuy nhiên hành vi Phá khoá một phần mềm là hành vi vi phạm bản quyền. Việc sử dụng một phần mềm do người khác phá khoá cũng là vi phạm bản quyền dù không trực tiếp phá khoá.

Hành vi vi phạm bản quyền máy tính bị xử phạt ra sao?

Cụ thể, theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, có hiệu từ tháng 1/2018 quy định thì hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính, doanh nghiệp vi phạm phải đối mặt với mức phạt tiền tối đa lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa lên tới 3 năm. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này có thể đối mặt với mức phạt tối đa lên tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp lên đến 2 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem