NTNN - “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” - ông Bạch Công Điệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã nói như thế về một số bất cập của chính sách lâm nghiệp hiện nay.
Ông Lò Văn Hưn ở xã Mường Chanh (Mai Sơn, Sơn La)mong sớm đến ngày Dự án 661 giao hẳn cho ông 6ha rừng thông mã vĩ . Khi đó, ông sẽ được khai thác gỗ theo tỷ lệChính phủ cho phép.
Là người có 20 năm nghiên cứu chính sách lâm nghiệp và 50 năm gắn bó với rừng, tôi hiểu điều ông Bạch Công Điệu nói không ngoa.
Hãy kiểm đếm gỗ, ghi sổ đỏ khi giao rừng
Tuần trước, trong chuyến đi nghiên cứu những bất cập chủ yếu trong việc giao rừng cho người dân ở xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, tôi ghi nhận một thực trạng: Người nhận rừng trồng thì nắm khá chắc mình đang quản lý bao nhiêu cây, còn người nhận rừng tự nhiên thì chỉ nắm được là diện tích mình quản lý có bao nhiêu ha mà không biết rõ có bao nhiêu cây gỗ, bao nhiêu mét khối gỗ.
Nguyên nhân là khi giao nhận rừng, đại diện nhà nước không hề kiểm đếm khối lượng gỗ, mà đơn giản chỉ ghi vào sổ đỏ là “rừng giao khoán”, vì vậy, dù rừng được phủ xanh, nhưng chất lượng rừng rất thấp. Điều này xảy ra với hầu hết người nhận rừng tự nhiên trong cả nước.
Trong khi đó, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định: Người nhận rừng chỉ được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng phần giá trị tăng thêm do chủ rừng tự đầu tư (so với giá trị quyền sử dụng rừng được xác định tại thời điểm được giao).
Nhưng, với việc không kiểm đếm khối lượng gỗ khi giao rừng, những quyền này bị “treo” lơ lửng, không ai thực thi được, ngân hàng cũng không cách nào cho vay thế chấp. Vì vậy phải nhanh chóng sửa bất cập này thì người dân mới có thể vay vốn đầu tư cho rừng.
Cần gỡ bỏ tình trạng vừa cho vừa cấm
Sẽ có chương trình quốc gia thu phí môi trường rừng
“Chương trình thí điểm thu phí môi trường rừng ở 2 tỉnh Sơn La, Lâm Đồng vừa qua sẽ được nâng lên thành Chương trình quốc gia, nhằm thay đổi cách thức đối xử với rừng, nhìn nhận đúng giá trị của rừng. Đồng thời, huy động được các nguồn lực từ xã hội để quản lý bảo vệ rừng bền vững, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho đối tượng nhận chăm sóc bảo vệ rừng.
Ông Hứa Đức Nhị - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Hơn 10 năm trước, việc giao khoán rừng với 50.000 đồng/ha là biện pháp cấp thời để giữ rừng. Gần đây, mức khoán này tăng lên 100.000 đồng/ha (riêng tại 62 huyện nghèo là 200.000 đồng/ha). Số tiền này thực tế vẫn thấp.
Tuy nhiên, ngân sách hạn hẹp của nhà nước và nguồn khác của các tỉnh bỏ ra tối đa chỉ đủ giao khoán khoảng 3 triệu ha rừng xung yếu. 7 triệu ha rừng tự nhiên còn lại chưa có tiền để giao khoán.
Để tăng sinh kế cho người giữ rừng, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 178 cho phép người giữ rừng khai thác một phần lâm sản nhất định của rừng được giao khoán. Đây là chính sách hay.
Nhưng theo tôi, nó đã không đi vào cuộc sống, donăng lực thực hiện có vấn đề. Các chính sách chồng chéo ở chỗ, Quyết định 178 cho phép khai thác, nhưng hầu hết các tỉnh tuyên bố đóng cửa rừng, đồng nghĩa không cấp phép khai thác, từ đó mà đẻ ra chuyện xin cho rất nhiêu khê.Nếu tự ý khai thác, thì thành ra khai thác chui. Vì vậy, để thực thi Quyết định 178, phải giải quyết mâu thuẫn này.
Vì điều này và một số lý do khác nữa, theo tôi nhà nước nên nghiên cứu mở cửa rừng trở lại. Nếu đóng cửa rừng, người được lợi lớn nhất là bọn đầu nậu, bọn buôn lậu gỗ. Nhưng mở cửa rừng thì phải có biện pháp quản lý hiệu quả để không lặp lại cảnh tàn phá rừng như trước năm 1997.
Trả đầy đủ phí môi trường cho chủ rừng
Cho đến nay, giá trị môi trường do rừng mang lại đã được khẳng định. Nhưng lâu nay các chủ rừng trong nước - với tư cách là người sản xuất ra giá trị môi trường - lại chưa được trả tiền, hay nói cách khác là xã hội đang hưởng miễn phí giá trị ấy, trong khi lâm dân vất vả giữ rừng. Vậy tại sao không thu phí môi trường để trả cho người làm nghề rừng?
Bốn năm trước, khi chúng tôi nói điều này, không ít người cho là viển vông. Nhưng giờ đây, mọi việc đã sáng sủa hơn.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã sơ kết việc thu phí môi trường thí điểm ở Sơn La và Lâm Đồng năm 2009. Kết quả, Lâm Đồng thu được 55 tỷ đồng từ thuỷ điện (giá thu20 đồng/kWh điện) và các nhà máy nước sạch trên địa bàn (40 đồng/m3 nước). Tiền thu được từ dịch vụ và sản phẩm du lịch là 600 triệu đồng (phí môi trường được tính bằng 1% giá vé du lịch).
Tỉnh Sơn La đã thu được 66 tỷ đồng phí môi trường. Theo nguyên tắc, số tiền này phải được trả tận tay người có rừng, tùy theo diện tích và chất lượng rừng họ quản lý. Theo tôi được biết, có chủ rừng được trả tới 270.000 đồng/ha/năm do chất lượng rừng tốt, rừng giàu.
Nếu thực hiện điều này trên toàn quốc trong năm 2010, thì số tiền thu được có thể đạt 1.200-1.600 tỷ đồng/năm. Con số này còn lớn hơn cả số tiền ngân sách bình quân hàng năm nhà nước đầu tư cho Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.
Theo tính toán của chúng tôi, sau khi đã thu phí môi trường ổn định, đến năm 2020, giá trị của môi trường rừng mang lại đạt khoảng 2 tỷ USD (gần 4.000 tỷ đồng).
Vũ Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp VN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.