Kéo nhau sang Trung Quốc, bản làng còn lại toàn trẻ con

Thứ năm, ngày 14/03/2019 08:00 AM (GMT+7)
Sau tết, nhiều cặp vợ chồng huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) lại kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê, để lại những đứa trẻ ở nhà tự xoay xở. Không ít trẻ phải nghỉ học để chăm lo việc gia đình trong lúc bố mẹ đi làm.
Bình luận 0

Tráng Thị Dín, thôn Nhiều Cù Ván, xã Tả Van Chư mới 14 tuổi. Bằng tuổi em, những đứa trẻ ở thành phố vui vẻ đến trường, nhưng Dín thì khác, em phải chăm sóc cả gia đình. Bố mẹ Dín sang Trung Quốc làm thuê được 3 năm. Lúc đầu Dín vẫn được đi học, nhưng năm nay, theo lời bố mẹ thì em phải ở nhà phụ giúp gia đình, chăm sóc các em.

img

Bố mẹ đi làm thuê, những em nhỏ ở vùng cao huyện Bắc Hà (Lào Cai) phải làm tất cả công việc nhà.

Khi chúng tôi đến nhà, Dín đang cho lợn ăn. 3 con lợn trong chuồng gầy nhom, kêu inh ỏi vì đói. Đôi tay em thoăn thoắt múc cám lợn vào chiếc chậu nhỏ trong chuồng. Cho lợn ăn xong, Dín gọi đàn gà về cho ăn ngô, thóc, rồi còn phải giặt quần áo, nấu cơm cho 3 đứa em ăn.

Con gái đi học rồi cũng lấy chồng...

Quanh quẩn cũng hết ngày. Trước đây, Dín vẫn đi học và hoàn thành hết công việc nhà như vậy. Tết vừa rồi, bố mẹ em về thấy cửa nhà lộn xộn, suy đi tính lại bố mẹ bảo em phải nghỉ học để lo việc nhà. Tráng Thị Dín bảo: “Bố mẹ em nói, con gái đi học rồi cũng lấy chồng nên nghỉ sớm phụ giúp bố mẹ để bố mẹ yên tâm đi làm thuê kiếm tiền”.

Còn Ly Seo Sẻng, thôn Ngải Thầu, xã Thải Giàng Phố sau tết cũng chính thức nghỉ học với lý do ở nhà phụ giúp gia đình. Bố mẹ Sẻng làm thuê ở Trung Quốc, em phải ở nhà làm nương, nuôi lợn, nuôi gà, thu hoạch hoa màu. Sẻng đang học lớp 9 thì nghỉ. Ly Seo Sẻng cho biết: “Bố mẹ bảo em ở nhà lo việc gia đình. Một thời gian nữa, bố mẹ sẽ đón sang bên kia làm thuê kiếm tiền”.

Một số bản làng vùng cao Bắc Hà giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ như Tả Van Chư, Lùng Phình, Bản Phố, Thải Giàng Phố... Người tuổi cao thì dần “khuất núi”, chỉ những đứa trẻ sớm phải lo toan việc gia đình cho bố mẹ yên tâm đi làm thuê.

Làm thuê ở Trung Quốc kiếm được tiền, hơn trồng ngô, cấy lúa nhưng đổi lại, con cái thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, trẻ không được đến trường dẫn đến tỷ lệ thất học ngày càng tăng. Một hệ lụy khác, đó là những đứa trẻ non nớt không có sự bao bọc của cha mẹ, một mình giữa bản làng biết bao cạm bẫy, rủi ro.

Không ít chuyện thương tâm đã xảy ra ở những gia đình có bố mẹ đi làm thuê để lại con cái tự chăm nhau. Đó là trường hợp của em C và H, bố mẹ hai em đều đi làm thuê tại Trung Quốc, thế rồi C và H nảy sinh tình cảm dẫn đến H có thai, hay còn nhiều rủi ro khác ở chính những gia đình con trẻ phải xa bố mẹ.

Bắc Hà là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của Lào Cai, với diện tích tự nhiên hơn 68,3 nghìn ha. Huyện có 20 xã và 1 thị trấn, gồm 198 thôn, tổ dân phố với 14 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 81%, riêng dân tộc Mông chiếm hơn 44%.

Diện tích tự nhiên huyện Bắc Hà lớn nhưng đất canh tác không màu mỡ, tỷ lệ sa mạc hóa ngày càng cao. Thu nhập từ cấy lúa, trồng ngô thấp dẫn đến xu hướng rời bỏ bản làng đi làm thuê ở nơi khác, trong đó có Trung Quốc.

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà, huyện hiện có hơn 1.700 lao động đang làm thuê tại Trung Quốc. Không thể phủ định thu nhập cao từ những lao động đi làm thuê tại Trung Quốc đã khiến các bản làng vùng cao Bắc Hà khoác một tấm áo mới và các lao động đều rất chăm chỉ, đem tiền về quê xây dựng nhà cửa khang trang, mua đất đai, sắm phương tiện phục vụ gia đình.

Vòng luẩn quẩn thất học...

Nhiều lao động huyện Bắc Hà sang Trung Quốc làm thuê, phía sau đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như lao động nữ bị lạm dụng, vẫn còn những ông chủ Trung Quốc nợ tiền của lao động. Trong khi đó, mặt trái của vấn đề là những đứa trẻ trong những gia đình có bố mẹ đi làm thuê ở Trung Quốc phải chịu nhiều thiệt thòi, không được sự bảo ban, chăm sóc của bố mẹ, sớm phải lo toan việc gia đình, nghỉ học sớm, thậm chí không ít bé trai sớm phải theo bố mẹ đi làm thuê và trở thành lao động kiếm tiền của gia đình.

Theo ông Trần Văn Kim, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà, những lao động sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là người dân tộc Mông, nơi đất đai canh tác khó khăn như các xã: Tả Văn Chư, Bản Phố, Lùng Phình. Hầu hết các gia đình này cả bố mẹ đều đi làm thuê, một số gia đình kéo theo con lớn cùng làm.

Ông Trần Văn Kim cho biết, trước tình hình đó, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người lao động phải tự biết cách bảo vệ mình nơi xứ người, nên đi theo nhóm cùng thôn, dòng họ để có thể bảo vệ, giúp đỡ nhau khi rủi ro xảy ra. Nhưng những đứa trẻ ở nhà cũng cần có người chăm sóc, các gia đình phải sắp xếp cho hợp lý.

Mặt trái của vấn đề chính là những đứa trẻ vùng cao Bắc Hà đang phải gánh chịu những hệ lụy từ hoàn cảnh bố mẹ làm thuê ở xa. Đang ở độ tuổi đến trường, các em cần được tiếp nhận tri thức hơn là nghỉ học để lo toan việc gia đình, kéo theo đó là thất học và tiếp tục vòng luẩn quẩn trở thành lao động không trình độ.

Vân Thảo (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem