Bà U và cháu ngoại trong câu chuyện buồn rơi nước mắt.
Nhẫn nhịn mưu cầu hạnh phúc cho con
Người cha đau khổ trong bi kịch kể trên là ông Đinh Anh Kh (42 tuổi), ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, Phong Điền, TP.Cần Thơ. Vợ chồng ông Kh sinh được 2 người con, trong đó, Đinh Thị Diễm Tr (SN 1995) là con gái lớn. Thương cha mẹ nghèo khó, năm 2010, vừa học xong lớp 9, dù thi đậu THPT nhưng Tr quyết định nghỉ học, đi làm nhân viên phục vụ cho một quán bán cà phê tại thị trấn Ô Môn (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cách nhà không xa.
Thời gian này, Tr quen biết với một thanh niên thường xuyên lui tới quán tên Nguyễn Hữu Đ (SN 1989), người này là con một nhà khá giả tại quận Ô Môn. Cả hai nhanh chóng phải lòng nhau. Sau đó, Tr bỏ việc để theo Đ lên TP.HCM thuê phòng chung sống. Đến khi hết tiền, lại không có nghề ngỗng trong tay, “đôi uyên ương” rủ nhau đi bán vé số dạo quanh các bến xe kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên vì quá túng quẫn, Đ và Tr dắt díu nhau về lại Cần Thơ.
Vừa đặt chân về tới TP.Cần Thơ, Tr gọi điện về nhà cho cha mẹ, vừa kể lại sự tình cô vừa khóc rưng rức rồi vội vàng cúp máy. Phía bên kia đầu dây, vợ chồng ông Kh chết lặng. Ông Kh vội vã đèo vợ rảo khắp TP.Cần Thơ để tìm con.
Bà Nguyễn Thị Bé U, 37 tuổi (vợ ông Kh) tâm sự: “Lúc đó con Tr đã mang bầu được 4 tháng. Khi về tới TP.Cần Thơ nó vào bưu điện gọi về cho vợ chồng tôi. Nhưng thằng Đ ngăn cản không cho nó nói địa chỉ. Cha nó đèo tôi đi tìm mấy tiếng đồng hồ mới bắt gặp hai đứa trong một quán cà phê. Đưa được con về, vừa giận mà vừa thương”.
Bởi gạo đã nấu thành cơm, nên dù rất tức giận chuyện đứa con gái mới 15 tuổi đầu đã bị Đ dụ dỗ “cướp mất đời con gái”, vợ chồng ông Kh thương con, đã cắn răng chịu đựng, chấp nhận cho gia đình Đ hỏi cưới Tr về làm dâu.
Cũng theo lời kể, bởi cô dâu chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, nên hai bên gia đình thống nhất chỉ làm vài mâm cơm mời họ hàng thân thiết đến dự. Vậy là, tháng 9.2010, lễ cưới của cô dâu 15 tuổi được tổ chức theo dự định.
Hết nhịn nổi “sui gia”, cha vợ kiện con rể đi tù
Sau ngày cưới, Tr theo chồng về nhà nội sinh sống. Chẳng bao lâu, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nảy sinh, cuộc sống vợ chồng của đôi trẻ cũng trở nên ngột ngạt. Theo lời bà U, gia đình “sui gia” không những không thương yêu Tr mà còn khinh thường ra mặt vì cho rằng Tr là đứa con gái “theo trai”, chẳng ra gì.
Cặp vợ chồng có kết cục buồn.
Đầu năm 2011, Tr sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, mẹ chồng chẳng vào thăm, còn chồng thì cũng không mấy mặn mà với vợ con. Trước sự “ghẻ lạnh” đó, vợ chồng ông Kh xin gia đình “sui gia” cho phép đón Tr và đứa cháu ngoại về nhà chăm nuôi ít bữa. Đợi đến khi đứa bé cứng cáp sẽ đưa Tr về lại nhà chồng.
Ông Kh bảo, đến ngày cữ của thằng bé, chờ mãi chẳng thấy gia đình đằng nội đoái hoài gì, ông Kh đi gặp “sui gia” đặt vấn đề đưa mẹ con Tr trở lại nhà nội và làm giấy khai sinh cho đứa bé. Thế nhưng, đáp lại sự khẩn khoản của ông là thái độ bất cần, thờ ơ của gia đình “sui gia” khiến ông Kh đau đớn.
“Tôi nghĩ chỉ dọa như thế cho thằng Đ sợ, mà suy nghĩ lại. Ai dè, ông bà sui lớn tiếng thách thức, họ nói ráo hoảnh tôi kiện thì họ sẽ đi hầu tòa”. Khi Đ làm cho Tr có bầu, và cưới khi Tr mới 15 tuổi. Vậy là “tức nước vỡ bờ”, ông Kh đâm đơn kiện con rể ra tòa về tội “Giao cấu với trẻ em”.
Cuối cùng “chàng rể quí” của ông Kh bị xử 40 tháng tù giam về tội: “Giao cấu với trẻ em”. Ngoài ra, gia đình Đ phải bồi thường cho Tr 12,3 triệu đồng bao gồm tiền bồi thường danh dự và tổn thất tinh thần. Đồng thời, mỗi tháng Đ phải có trách nhiệm cấp dưỡng 525 ngàn đồng cho đứa con.
Chỉ còn lại nỗi buồn
“Hôm tòa xử, gia đình bên đó kéo nhau đi mấy chục người, phía nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng, cái Tr với đứa bé. Tòa phán xong, vừa ra đến cửa họ đã đuổi đánh con bé, rượt đánh sang tận quán nước phía bên kia đường. Cán bộ trong tòa phải ra can ngăn, gọi công an tới gia đình nhà kia mới tản ra. Xử thì xử như vậy, nhưng từ lúc thằng bé lọt lòng đến nay đã gần 3 năm, thằng Đ chưa cấp dưỡng được một đồng nào cho con. Nó đi tù có hơn 1 năm rồi về mà cũng không đến thăm con nó lần nào. Thậm chí hôm ở tòa, tôi đưa thằng bé cho thằng Đ bế mà nó nỡ lòng quay mặt đi”, bà U buồn bã than vãn.
Sau phiên tòa đầy nước mắt, Tr nuôi con đến 14 tháng tuổi rồi gửi con lại cho cha mẹ để lên TP.Cần Thơ phụ quán cà phê. Đồng lương ít ỏi, phải chắt bóp lắm, mỗi tháng người mẹ trẻ mới về thăm con được một lần. Lắm khi khó khăn, 2 – 3 tháng Tr mới lại về dúi vào tay mẹ ít tiền, thăm con rồi cô lặng lẽ lau nước mắt quay đi.
Nhà nghèo, chỉ có nghề mần mướn, vừa nuôi đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi học, lại thêm trách nhiệm nuôi cháu ngoại, mọi gánh nặng lo toan đổ dồn lên đôi vai của vợ chồng ông Kh. Tất tật các chi phí, đều trông chờ vào số tiền công 100 ngàn đồng/ngày phụ hồ của ông Kh.
Riêng bà U, mỗi ngày bà vật vã xoay xở với đàn vịt hơn 100 con và đứa cháu đói sữa, thiếu hơi mẹ cứ khóc rằn rặt. “Nó khổ từ tấm bé, mẹ nó đi mần, nhà neo người, ra đồng mần lúa, chăn vịt tôi cũng phải địu cháu trên lưng. Khi nào bí quá, để nó ở nhà một mình thì nó gào khóc, thấy ai đi qua nó cũng níu tay đòi vào nhà chơi, tội nghiệp lắm chú ơi”, bà U xót xa nói.
(Theo PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.