Kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài, luật pháp quy định chế tài xử phạt thế nào?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 17/10/2021 14:41 PM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu xác minh được một người Việt Nam kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài, không nhằm mục đích xây dựng gia đình là vi phạm pháp luật Việt Nam. Còn tại Mỹ, hành vi này bị xử phạt rất nặng.
Bình luận 0

Trong thực tế, có những trường hợp người Việt Nam sang Mỹ kết hôn giả với người dân sở tại hoặc Việt kiều tại đó để có quốc tịch Mỹ hay có thẻ xanh. Việc kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài, không nhằm mục đích xây dựng gia đình đã được nêu trong các quy định pháp luật của Việt Nam.

Ngày 17/10, trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

"Trong điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định cấm kết hôn giả tạo. Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

KẾT HÔN GIẢ.png

Luật Việt Nam và Mỹ quy định rõ về xử phạt kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài. Ảnh: V.S.

Như vậy, việc kết hôn giả tạo vẫn giống với việc kết hôn bình thương, nhưng mục đích hoàn toàn khác. Kết hôn giả nhằm thực hiện một hành vi khác như để nhập cảnh, có quốc tịch nước ngoài", ông Lực thông tin.

Nghĩa là, hành vi kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài hay kết hôn với Việt kiều ở Mỹ để có quốc tịch Mỹ là hành vi bị cấm.

Theo vị luật sư, để đảm bảo trật tự xã hội và quản lý chung, pháp luật có quy định cụ thể các trường hợp bị cấm kết hôn, cụ thể tại điều 5 Luật hôn nhân và gia đình quy định rõ về "Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo". Khoản 2 điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy đĩnh rõ về việc xử lý kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.

"Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Hoặc lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản; vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân", vị luật sư nói.

Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức nếu có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có việc kết hôn giả tạo) thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

Đối với công chức: Tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.

Đối với viên chức: Cũng tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Theo ông Lực, không chỉ ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng có quy định chặt chẽ về việc kết hôn.

"Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS) rất nghiêm khắc với nạn kết hôn giả với công dân Mỹ, cơ quan này có thể được phép phạt với một bản án tù giam đến 10 năm và buộc phải nộp tiền phạt lên đến 250.000 USD tiền phạt.

Đối với công dân Mỹ, kết hôn giả sẽ phải chịu mức án là 10 năm tù giam và số tiền phạt lên đến 250.000 USD. Đối với công dân nước ngoài, kết hôn giả với người Mỹ sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ, phạt 250.000 USD và cấm nhập cảnh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem