Kết nạp Đảng trong tù và hành trình từ những trái tim yêu nước

Nguyễn Hoà Thứ sáu, ngày 31/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đầy oai hùng, vĩ đại của quân và dân ta đã ghi nhận hàng loạt chiến công lừng lẫy trước kẻ thù xâm lược. Với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bất chấp sự kìm kẹp trong ngục tù, các chiến sĩ với tinh thần quả cảm đã vượt lên khó khăn, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Đảng, của Bác Hồ đã anh dũng chiến đấu vì nền độc lập tự do nước nhà.
Bình luận 0

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng CSVN, Báo điện tử Dân Việt xin gửi tới bạn đọc và công chúng cả nước những hình ảnh, câu chuyện quả cảm đến từ các cán bộ, chiến sỹ được kết nạp Đảng trong thời gian bị giam cầm trong lao tù. Mặc dù bị giam giữ, kiểm soát ngặt nghèo nhưng những buổi kết nạp đảng viên vẫn bí mật diễn ra với nghi thức trang trọng. Từ những buổi lễ thiêng liêng đó, các Đảng viên tiếp tục mang ánh sáng của Đảng tới từng buồng giam, từng chiến sĩ, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, biến nó thành sức mạnh đập tan mọi âm mưu đớn hèn của quân địch.

Kỳ 1: “Cho phép tôi được giữ “cụ” ở đây 1 đêm”

Kết nạp Đảng đối với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở thời chiến, đó có thể là câu chuyện không tưởng trong những nhà lao khét tiếng tại Phú Quốc, Côn Đảo…, tuy nhiên, những buổi lễ này vẫn được diễn ra ngay tại nhà lao ẩm ướt, chật hẹp một cách trọn vẹn mà không hề bị phát hiện.

“Bác của chúng ta đây rồi”

Cách đây tròn 90 năm, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến thắng biết bao cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đầy vẻ vang, oanh liệt, rúng động địa cầu.

Được vinh dự đứng trước cờ Đảng để tuyên thệ, được chiến đấu để bảo vệ đất nước là điều thiêng liêng, cao quý luôn khiến mỗi trái tim người Việt thổn thức.

Với các chiến sỹ bị địch bắt và giam giữ tại các nhà tù, họ cũng không ngoại lệ. Ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất nhưng những trái tim yêu nước vẫn một lòng hướng về Đảng. Chính vì thế, những buổi lễ kết nạp Đảng ở trong tù càng trở nên ý nghĩa.

img

Cựu tù binh tại trại giam Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa là người đã chứng kiến những giây phút kết nạp đảng viên mới trong tù đầy thiêng liêng cách đây vài chục năm về trước tại Phú Quốc. (Ảnh: VNE)

Chia sẻ với Dân Việt vào những ngày tháng 2 lịch sử của dân tộc, ông Nguyễn Thế Nghĩa (một cựu tù Phú Quốc) cho biết, với ông, những ký ức về giây phút kết nạp Đảng trong tù cho các đồng chí của mình mãi mãi là những ký ức thiêng liêng.

Theo trí nhớ của ông Nghĩa, đó là vào năm 1972 tại nhà tù Phú Quốc, lúc này ông được Đảng uỷ giao nhiệm vụ chuẩn bị cờ Đảng sử dụng trong lễ kết nạp đoàn viên ưu tú Lê Đức Thiện.

Đồng chí Thiện lúc đó là Bí thư chi đoàn đã có những cuộc đấu tranh rất mạnh trong lao tù, Chi bộ đã quyết định kết nạp đoàn viên này vào Đảng. Ở thời điểm đó có nhiều hình thức kết nạp Đảng trong tù.

“Có đơn vị thì lấy hình ảnh mặt trời ban mai buổi sáng, người thì vẽ xuống cát, người thì thấy than vẽ lên tường để kết nạp đảng. Riêng tôi thì tôi nghĩ mình phải có một lá cờ Đảng nghiêm túc” – ông Nghĩa nói.

Nghĩ là làm, ông Nghĩa đã cử 1 đồng chí ra ngoài bí mật tìm một miếng vải đỏ để mang vào trong tù, tuy nhiên người này khi về qua cửa thì bị quân cảnh kiểm tra và đã không mang được tấm vải đó vào.

Tình thế lúc này rất bí, vị cựu tù Phú Quốc cho biết chỉ còn khoảng 3 ngày nữa là kết nạp đảng, Chi uỷ đã họp để lấy ý kiến về sự việc quan trọng này.

“Có một đồng chí nói “Anh Nghĩa ơi lấy máu làm cờ được không?”. Tôi nghĩ thấy sướng quá, không còn nghĩ gì cả, máu thì trong cơ thể chiến sĩ cách mạng, trái tim thì một lòng hướng về Tổ quốc nên tôi đồng ý luôn” – ông Nghĩa nhớ lại.

img

Lá cờ đảng và bức ảnh Bác Hồ do ông Nguyễn Thế Nghĩa dùng máu của mình để vẽ lên tại nhà tù Phú Quốc trước buổi kết nạp đảng viên trong tù. Trong lá cờ đảng còn thấm đẫm máu của ông Nghĩa và nhiều đồng đội cùng là tù binh tại nhà tù Phú Quốc.

Theo những gì xảy ra sau đó, ông Nghĩa đã lấy tay trái đánh vào cạnh tôn của nhà tù cho máu chảy ra. Thậm chí người đàn ông này vừa đi vừa vuốt vào vết thương cho chảy thật nhiều máu rồi chạy ra phòng quân cảnh cho địch băng bó.

Mục đích của việc làm này là để lấy chiếc băng trên tay ông làm lá cờ Đảng, tuy nhiên khi ông mở băng ra thì có chỗ chảy máu thẫm, chỗ thì lại nhạt, không được đều.

“Một đồng chí sáng kiến nói “Anh Nghĩa để chúng tôi góp với”. Thế là các đồng chí tự lấy máu của mình, khoảng 4, 5 đồng chí lấy máu, trong giây lát lá cờ đã sẫm.

Máu đây không phải của riêng tôi, máu này là của cả đồng đội tôi, hiện nay có những người còn và những người không còn nữa, nó linh thiêng ở chỗ đó” – cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa bồi hồi.

Lá cờ đã xong, tuy nhiên còn thiếu hình ảnh biểu tượng trên cờ đảng, vị lãnh đạo này đã đề nghị một bí thư chi đoàn trong đội cảm tử là Nguyễn Trọng Dư giúp đỡ.

Bí thư chi đoàn Nguyễn Trọng Dư là người được phục vụ tại nhà bếp, ông đã lấy 1 viên thuốc chống phù (hay còn gọi là sinh tố) màu vàng cho ông Nghĩa. Viên thuốc sau đó tán nhỏ, trộn với nước cơm thành dạng sệt rồi vẽ biểu tượng hình búa liềm trên lá cờ thẫm máu.

Giọt nước mắt của đồng chí Tô Hiệu

Vừa hoàn thành nhiệm vụ làm một lá cờ đảng, một diễn biến mới đã xảy ra ngay lúc đó đối với ông Nguyễn Thế Nghĩa. Vết thương do ông tự đánh vào cạnh tôn nhà tù bỗng chảy nhiều máu, máu cứ thế rỉ ra.

Trong thâm tâm ông lúc này lại nảy ra ý nghĩ đã có cờ đảng thì phải có ảnh Bác Hồ. Điều này thôi thúc ông và ông đi đến quyết định vẽ ảnh Bác.

Lúc này có nhiều đồng chí góp ý lo sợ ông vẽ không giống chân dung Bác, tuy nhiên, ông quyết làm và yêu cầu Bí thư chi đoàn Nguyễn Trọng Dư lấy giấy.

Sẵn tờ giấy lấy được từ hôm trước, ông Dư đã đưa cho Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa và chỉ ít lâu sau, bức tranh chân dung Bác Hồ đã hoàn thành.

“Vẽ xong bức ảnh bác thì tất cả anh em ngồi quây xung quanh đều nói là “Bác của chúng ta đây rồi”. Đây là câu mà mãi mãi tôi không thể quên được vì ở trong lao tù, có một bức ảnh của Bác rất hiếm, rất quý. Ở lao tù tăm tối như thế mà Bác vẫn có mặt, chỉ đạo anh em hành quân, đó là điều quý lắm.

img

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Nghĩa, nếu không có đảng lãnh đạo, "không bao giờ anh em có một tổ chức cao trong nhà lao được, không thể kiên quyết đấu tranh như thế được”. Trong ảnh là một góc trưng bày tại nhà tù Hoả Lò nhân dịp 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhiều đồng chí đã khóc khi nhìn ảnh Bác” – Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa kể lại.

Sau khi vẽ xong bức ảnh chân dung Bác Hồ, ông Nghĩa đã giao cho bí thư chi đoàn Dư nhiệm vụ cất giấu và đem đi phơi khô. Vào tối cùng ngày, Bí thư Đảng uỷ Tô Hiệu (cũng bị giam giữ tại nhà tù Phúc Quốc) đã kiểm tra lại một lần nữa công tác chuẩn bị kết nạp đảng cho đoàn viên ưu tú.

“Tôi đưa lá cờ và ảnh Bác cho ông xem, ông ngỡ ngàng nhìn ngắm. Ông nhìn chăm chăm, hai hàng nước mắt của đồng chí Tô Hiệu đã chảy. Ông từ từ áp vào ngực mình, sau ông bảo tôi “Giống, giống lắm. Thôi, đồng chí cứ về đi, cho phép tôi được giữ “cụ” ở đây 1 đêm”” – ông Nghĩa xúc động.

Ở trong lao tù, việc có được một lá cờ đảng, có được một hình ảnh Bác Hồ đã rất khó, tuy nhiên khi đã có rồi, việc gìn giữ, bảo vệ những “báu vật” này trước sự kiểm tra gắt gao của quân địch còn khó gấp bội.

Tuy nhiên, bằng sự khôn khéo, nhạy bén của mình, những người được giao giữ “báu vật” đã nghĩ ra những cách cất giấu khiến địch không thể ngờ tới.

Kỳ cuối:  Điều thiêng liêng nhất đã loé sáng ở nơi tăm tối nhất

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem