87 năm thành lập Đảng: Đâu là sự đổi mới tiếp theo?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 03/02/2017 06:37 AM (GMT+7)
Có những tư tưởng rất mới, rất tích cực từ 30 năm trước, nay cũng đã trở nên lạc hậu và cần tiếp tục đổi mới - đổi mới theo thời cuộc...
Bình luận 0

Tôi rất chia sẻ với một bài viết trên một tờ báo gần đây khi mở đầu bài này có câu: “Thời gian tự làm mới bằng mùa xuân. Rừng “đổi mới” bằng tự thay lá. Đất nước phải tự đổi mới, theo quy luật vận động của thực tiễn mới có thể phát triển” - (ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang).

Như vậy, có thể hiểu rằng, muốn đất nước phát triển tốt, đổi mới là một quy luật vận động mang tính tất yếu nhằm giúp cho đất nước không bị tụt hậu. Sau 30 năm đổi mới đất nước với những thành tựu không thể phủ nhận, Việt Nam chúng ta cũng đã tới lúc cần tiếp tục có một cuộc đổi mới khác, vừa là kế thừa, vừa là đổi thay những gì chưa làm được trước đây, hoặc đã làm nhưng nay vẫn cần thay đổi tiếp cho dù trước đó đã có thời điểm được ghi nhận rất tốt. Và, phải chăng, ở khía cạnh nào đấy trong cái tổng thể đó, một Chính phủ kiến tạo, hành động vì người dân cũng chính là sự đổi mới tiếp theo?

30 năm trước đây, khi chúng ta bước vào giai đoạn tìm tòi để mong thoát hiểm, đó chính là lúc đất nước ta đang đứng trên bờ vực: Cộng đồng kinh tế của hệ thống các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa thì đang trong thế bế tắc, khủng hoảng đến độ khó lường; Kinh tế trong nước thì suy thoái và gần như kiệt quệ; tốc độ trượt giá thì kinh hoàng, đời sống của người dân cực kỳ khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc và nợ nần chồng chất ... Khi đó, kinh tế lạm phát  tăng ở tốc độ phi mã (3 con số).

Việc chuẩn bị Văn kiện chính trị cho Đại hội VI lúc này đã cơ bản xong thì Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời. “Đồng chí Trường Chinh được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư thay người đã ra đi . Đây cũng là lần thứ 3 trong sự nghiệp của mình, ông đảm trách cương vị Tổng Bí thư (3 lần đảm trách dưới 3 tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Đảng Lao động Việt Nam (1952) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Trường Chinh là trường hợp đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam), nhưng việc ông Trường Chinh quyết định cần phải viết lại văn kiện chính trị trình Đại hội là một sự sáng suốt và mạnh mẽ vô cùng!

img

Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2. Ảnh: TTXVN

Trước tình thế đó, nếu chúng ta không đổi mới tức là tự kết thúc một thể chế chính trị đã từng mang lại hạnh phúc và cả niềm tự hào cho cả dân tộc thì thật đau xót biết bao! Và đương nhiên, đây là điều không ai mong muốn. Nhưng rồi, “trong cái khó đã ló cái khôn”. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì lúc này, “tác giả” - người chủ biên của đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh đã xuất hiện đúng lúc. Ông đã chỉ đạo thành công Đại hội 6 của Đảng theo hướng đổi mới mà trước tiên là đổi mới về tư duy kinh tế.

Theo Trường Chinh, đây phải được coi là việc hệ trọng mang tính sống còn của  Đảng. “Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả”- nói chính xác hơn là chủ biên của đổi mới lại là một người được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở “ (lời ông Võ Văn Kiệt phát biểu hồi tháng 2.2007).

Tôi muốn nhắc lại điều này vào dịp Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 87 năm thành lập (3/2/1930 - 3/2/2017) để thấy Đảng ta trong những lúc khó khăn gian nan nhất luôn xuất hiện những nhân vật rất đặc biệt mà Tổng Bí thư Trường Chinh là một điển hình  như vậy.

Hành trình 30 năm đổi mới, như đã nói, đó là một kỳ tích của đất nước ta. Song, dù sao thì sự nghiệp đổi mới cũng đã trải qua 30 năm. Chính vì thế, theo quy luật vận động, không phải nó là thứ bất biến để chúng ta ngợi ca, để “nhấm nháp” thứ thành tựu đó mãi được mà không tiếp tục nhưng ở một vị thế khác.

img

Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn công nghệ thông tin tại Davos. Ảnh: VGP

Hôm 18.1 vừa rồi, bên lề hội nghị Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chuyển một thông điệp của Việt Nam tới các cơ quan báo chí quốc tế về quyết tâm hội nhập toàn diện, sâu rộng của Việt Nam. Thủ tướng chúng ta đã khẳng định “Việt Nam đang tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình...”

Như vậy, nên chăng vào thời điểm này, chúng ta sẽ “phát lệnh” đổi mới lần hai?

Tôi nghĩ điều này là rất nên.

Và bài viết này, tôi chỉ mạnh dạn đề cập đến sự cần thiết của đổi mới lần hai trong một phạm vi hẹp đó là lĩnh vực nông nghiệp nước nhà, chứ không dám mở rộng sang tất cả các lĩnh vực khác. Qua đó cũng sẽ phần nào cho thấy, đổi mới về tư duy nông nghiệp gắn với công nghệ cao càng sớm thì sẽ càng có lợi cho dân, cho nước.

Gần đây, chúng ta đã đề cập đến đường hướng phát triển nông nghiệp nước nhà gắn với công nghệ mới. Nôm na, là đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp để cho năng suất cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm .

Cánh nhà báo chúng tôi từng được một vị trong ban lãnh đạo tập đoàn kể cho nghe về chiến lược đầu tư phát triển nông nghiệp theo công nghệ cao mà họ đã và đang triển khai và đã bị nó cuốn hút đến kỳ lạ.

Ví như họ áp dụng công nghệ Israel để trồng cà chua ở Lâm Đồng cho sản lượng gấp 3-4 lần so với lối trồng truyền thống lâu nay. Và nếu chúng ta nhân rộng mô hình trồng rau quả bằng công nghệ mới như nói trên, đương nhiên đâu cần quỹ đất dành cho nông nghiệp lớn như hiện giờ mà đời sống nông dân vẫn rất khả quan, chất lượng nông phẩm cũng đảm bảo...

Từ câu chuyện nêu trên, nghĩ lại chuyện “cánh đồng kiểu mẫu” năm nào mà chúng ta phấn đấu đạt 50 triệu đồng/ha/năm mà thấy cái ước mơ giản đơn ấy, sao đã lạc hậu nhanh đến vậy! Nhưng dù sao thì cũng mừng cho đất nước đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực nói trên. Qua đó, hy vọng Việt Nam sau 5-10 năm nữa sẽ có một diện mạo nông nghiệp khác xưa rất nhiều và khả năng tăng giá trị sản lượng về nông phẩm lên 500 triệu đồng/ha/năm cũng không còn là chuyện xa vời, viển vông.

Tôi nhớ, thời điểm chúng ta đang ở đêm trước của công cuộc đổi mới (1986), dân ta còn thiếu gạo trầm trọng. Chỉ nội lo gạo cho người dân TP.HCM ngày ấy cũng choán hết cả thời gian của các vị lãnh đạo thành phố. Vậy mà vẫn đầy gian nan vì lo không nổi do chính sách ngăn sông cấm chợ và kìm hãm sức sản xuất đã tự làm hại chính mình.

Nhờ tư tưởng đổi mới rất sáng suốt của Đảng, sau 20 năm (2006), đất nước ta đã có gạo xuất khẩu với sản lượng xuất ngoại là 4,6 triệu tấn. Thật không ai có thể ngờ nổi, vào năm 2012, Việt Nam chúng ta đã xuất khẩu đến 8,1 triệu tấn và xem như quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo. Hiện nay, xu hướng xuất khẩu gạo đang có phần chững lại. Chẳng hạn như năm 2016 vừa rồi, Việt Nam cũng chỉ xuất khoảng 4,9 triệu tấn. Vì thế càng cần thiết phải nâng cao chất lượng giá trị của nông sản để bù lại bằng giá cả tốt . Nếu không làm vậy, người nông dân dù tăng sản lượng thì vẫn nghèo khó ...

Nếu nói đến giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam thì chúng ta lại yếu hơn nhiều so với Thái Lan. Nguyên do là gạo của ta chất lượng kém hơn, giá cả tuy rẻ nhưng không hẳn đã hấp dẫn thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng gián tiếp nói lên một điều: Cần sớm thay đổi tư duy làm nông nghiệp chạy theo sản lượng mà cần phải nghĩ đến giá trị quy đổi sản lượng gạo cũng như nông sản khác nuôi trồng theo hướng tinh chất, có giá trị kinh tế cao. Và chỉ có vậy, người sản xuất nông nghiệp, dù là cá thể hay nông trại mang tính công nghiệp mới có thể có cuộc sống khấm khá lên.

Từ đó, chúng ta có thể thấy, có những tư tưởng rất mới, rất tích cực từ 30 năm trước, nay cũng đã trở nên lạc hậu và cần tiếp tục đổi mới - đổi mới theo thời cuộc, đó là đưa những tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Chỉ có như thế, người nông dân hôm nay mới hy vọng đổi đời.

Tôi có đọc trên báo thì được biết thêm trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân Hội nghị Davos tại Thuỵ Sỹ,khi tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế thế giới, họ có đề cập đến nông nghiệp Việt Nam. Tôi thấy mừng và đặt nhiều kỳ vọng  hơn lúc nào hết.

Vâng! Nếu khai thác tốt tiềm năng lợi thế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, coi nông nghiệp công nghệ cao là đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, thì giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể tăng gấp nhiều lần con số 32 tỷ USD hiện tại.

Vậy thì đây có phải là giai đoạn đang chờ đón một cuộc cách mạng về công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp, là cuộc đổi mới lần hai về ngành nông nghiệp của chúng ta? Cũng qua đó càng cho ta thấy, công cuộc đổi mới đã tới lúc phải nhân rộng ra trong mọi lĩnh vực kinh tế và chỉ có vậy, Việt Nam chúng ta mới không tụt hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem