Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: Cơ sở khoa học góp phần quản lý ngành thủy sản bền vững

Tuấn Anh Thứ tư, ngày 29/11/2023 10:55 AM (GMT+7)
Ngành thủy sản phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Bình luận 0

Cần thiết đánh giá nguồn lợi thủy sản

Nguyên nhân suy giảm nguồn lợi thủy sản có nhiều, nhưng chủ yếu là do số lượng tàu cá khai thác thủy sản quá nhiều, đặc biệt tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác thiếu thân thiện với nguồn lợi; khai thác thuỷ sản sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc; khai thác sai vùng của tàu cá có chiều dài lớn hoạt động ở vùng biển ven bờ; kích thước mắt lưới của ngư cụ khai thác nhỏ hơn so với quy định (nghề đăng đáy, nghề lồng xếp…); ô nhiễm môi trường do phát triển của một số ngành kinh tế khác như công nghiệp, du lịch…

Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: Cơ sở khoa học góp phần quản lý ngành thủy sản bền vững - Ảnh 1.

Các địa phương tích cực thả cá, gia tăng nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế.

Để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13 tháng 02 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam..

Hiện nay, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản nói chung và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo nhiều cơ hội cho ngành thủy sản mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, tình hình an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường tuần tra trên biển, bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép.

Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thủy sản thay thế Luật Thuỷ sản 2003 với nguyên tắc, khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứu và trữ lượng nguồn lợi thủy sản, găó bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; với cách tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thuỷ sản để bảo đảm phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm; trong đó có 01 chương quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Cùng với đó, một số Nghị quyết của Đảng và Nhà nước cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, thể hiện quyết tâm của hệ thống chính trị đối với bảo vệ nguồn lợi thủy sản (như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ).

Từ năm 2010 đến nay, hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trên các vùng biển đã đánh giá được hiện trạng thành phần loài, trữ lượng các nhóm nguồn lợi và hiện trạng một số hệ sinh thái điển hình tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật, chính sách phát triển kinh tế biển nói chung và ngành Thủy sản nói riêng.

Giai đoạn 2011-2015 đã đánh giá được hiện trạng thành phần loài, trữ lượng các nhóm nguồn lợi và có sự so sánh với các kết quả điều tra của giai đoạn trước (2000-2005) làm căn cứ xây dựng, hoạch định các chính sách có liên quan. Cụ thể:

Đã xác định được 1.081 loài thủy sản, bao gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loài động vật chân đầu, 44 loài thuộc nhóm khác. So với giai đoạn 2000-2005, tổng số loài bắt gặp không có sự biến động lớn nhưng cấu trúc thành phần loài có sự khác biệt đáng kể với 83 loài không bắt gặp trong giai đoạn 2011-2015.

Giai đoạn 2011-2015, trữ lượng cá biển, giáp xác và động vật chân đầu ở vùng biển được điều tra là 4,36 triệu tấn, trong đó: trữ lượng nguồn lợi nhóm cá nổi nhỏ là 2,65 triệu tấn (chiếm 60,7% tổng trữ lượng); nhóm hải sản tầng đáy là 643 ngàn tấn (chiếm 14,7% tổng trữ lượng); nhóm giáp xác là 38,1 ngàn tấn (chiếm 0,9% tổng trữ lượng); nhóm cá sống trong vùng rạn san hô quanh đảo là 2,6 ngàn tấn (chiếm 0,1% tổng trữ lượng); nhóm cá nổi lớn là 1.031 ngàn tấn, (chiếm 23,6% tổng trữ lượng). Trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1.368 ngàn tấn (chiếm 31,4%); vùng khơi là 2.996 ngàn tấn (chiếm 68,6%).

Phù hợp với thế giới

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2022 phê duyệt "Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030".

Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: Cơ sở khoa học góp phần quản lý ngành thủy sản bền vững - Ảnh 2.

Thả cá giống cỡ lớn tại khu vực nước sâu xã Hạ Long (huyện Vân Đồn)

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, vì vậy, chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản sẽ phải phù hợp với "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", "Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", các Quy hoạch quốc gia chuyên ngành có liên quan để bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực duy trì môi trường Hòa Bình và ổn định trên biển; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc.

Cùng với đó, chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản phải được triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm đồng bộ, khoa học, có tính liên vùng, tổng hợp; có tính kế thừa, tích hợp với các chương trình, đề án hiện có nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Kết quả điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ, liên tục, khoa học, tin cậy và được công bố theo quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo từng vùng, miền và địa phương. Đặc biệt ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản, kết hợp huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác trong và ngoài nước.

Quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững

Mục tiêu chính của "Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030" là cung cấp thông tin dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững.

Cụ thể: Xác định cơ sở khoa học về nguồn lợi thủy sản, nghề cá biển và môi trường sống của loài thủy sản ở biển để đề xuất giải pháp quy hoạch, quản lý, bảo vệ, khai thác, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và nghề cá biển Việt Nam. Đánh giá tổng thể hiện trạng, biến động nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản ở các vùng nước nội địa Việt Nam và đề xuất được giải pháp bảo vệ, khai thác và phát triển nghề cá nội địa hiệu quả, bền vững.

Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: Cơ sở khoa học góp phần quản lý ngành thủy sản bền vững - Ảnh 3.

: Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Cung cấp thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản trong các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo điển hình (san hô, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, cỏ biển, rong biển, bãi bồi, cửa sông, đất ngập nước...) phục vụ việc thành lập, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu cư trú nhân tạo của loài thủy sản và đề xuất các biện pháp, kế hoạch quản lý phù hợp.

Thông tin dự báo ngư trường khai thác thủy sản ở biển thường xuyên cập nhật nhằm nâng cao chất lượng dự báo ngư trường và hiệu quả hoạt động của các đội tàu khai thác nguồn lợi thủy sản xa bờ Việt Nam. Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để quy định danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; kích thước loài thủy sản được phép khai thác trong các thủy vực tự nhiên; xác định hạn ngạch khai thác thủy sản, sản lượng thủy sản cho phép khai thác theo loài, nhóm loài ở từng vùng biển phù hợp với trữ lượng nguồn lợi.

Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản sẽ được thực hiện tổng thể, đồng bộ trên phạm vi các vùng biển, vùng nước nội địa và trong các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo, trong rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và các khu bảo tồn đất ngập nước. Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học của nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trong các hệ sinh thái biển làm cơ sở thành lập, mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, duy trì và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo.

Giám sát biến động nguồn lợi thủy sản và chất lượng môi trường sống của loài thủy sản bảo đảm sản lượng khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để điều chỉnh cơ cấu tàu cá, cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp, góp phần phát triển nghề cá bền vững. Phương pháp, tiếp cận điều tra từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, tiên tiến của khu vực và thế giới, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

9 nhiệm vụ chủ yếu

Trên cơ sở đó, "Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030" đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu, đó là:

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở khoa học, phương pháp, bộ chỉ số đánh giá và các điểm tham chiếu đồng bộ, thống nhất để thực hiện điều tra, làm cơ sở khoa học để phục vụ quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản. Cập nhật, hoàn thiện quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản ở các vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi và vùng nước nội địa theo định kỳ 05 năm, kết hợp điều tra nghề cá thương phẩm hằng năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện làm cơ sở đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp, kế hoạch quản lý nghề cá phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, ven biển, phát triển nghề cá bền vững.

Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trong các hệ sinh thái biển điển hình ở vùng ven bờ, ven đảo, trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất ngập nước làm cơ sở đề xuất mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo và đề xuất chế độ, kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản phù hợp trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn đất ngập nước.

Thực hiện nhiệm vụ điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển sâu, điều tra chi tiết tại các bãi cạn, gò đồi ngầm (đã được phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030) làm cơ sở để bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững nhóm nguồn lợi hải sản này.

Điều tra, xác định ngư trường khai thác trọng điểm, vùng phân bố tập trung của loài thủy sản ở biển có giá trị kinh tế, khoa học; thu thập, xác định thông tin viễn thám ở biển, đặc biệt là ở vùng lộng, vùng khơi nhằm xây dựng, công bố bản tin dự báo ngư trường phục vụ hoạt động khai thác thủy sản ở biển, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất và tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Điều tra, xác định đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản ở biển, ven biển, các thủy vực sông, hồ chính để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý các loài, nhóm loài thủy sản này bảo đảm hài hòa, phù hợp với sự phát triển các ngành kinh tế khác và phù hợp với quy định của pháp luật.

Định kỳ đánh giá, cập nhật, bổ sung các danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; loài thủy sản nguy cấp quý hiếm, loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế; kích thước loài thủy sản được phép khai thác trong các thủy vực tự nhiên để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và biện pháp quản lý phù hợp.

Ứng dụng khoa học công nghệ, phương pháp điều tra, nghiên cứu tiên tiến, hiện đại; tăng cường năng lực, trang thiết bị điều tra, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản tại Việt Nam.

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu trên nền tảng số, bảo đảm tính tích hợp, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành và địa phương; cập nhật, hoàn thiện, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về điều tra nguồn lợi thủy sản bảo đảm tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem