Kết quả kiểm toán Quỹ Bình ổn xăng dầu

Thứ ba, ngày 25/10/2011 07:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009 -2010.
Bình luận 0

KTNN đã kiểm toán 10 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp đầu mối lớn như: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu VN (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên xăng dầu Hàng không, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco), Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec)...

img
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được cho là dễ phát sinh rủi ro.

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc trích lập quỹ qua 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong 2 năm (2009-2010) là hơn 5.554 tỷ đồng. Năm 2009, KTNN xác định tổng số quỹ phải trích lập tại 10 doanh nghiệp đầu mối là gần 971 tỷ đồng (thực tế 10 doanh nghiệp đầu mối đã trích là gần 1.007 tỷ đồng), do đó số đã trích lớn hơn số phải trích về quỹ là gần 36 tỷ đồng. Năm 2010, số phải trích là gần 4.584 tỷ đồng (thực tế 10 doanh nghiệp đã trích là 4.561,5 tỷ đồng), do đó số phải trích bổ sung là hơn 22 tỷ đồng.

KTNN đánh giá, việc trích lập, sử dụng quỹ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua được thực hiện khá nghiêm túc theo quy định của Nhà nước. Số trích lập và sử dụng quỹ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cơ bản phù hợp với số phải trích lập và số được sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, đã có một số hạn chế trong quá trình điều hành, hướng dẫn cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Điều này làm cho doanh nghiệp lúng túng, một số yếu tố trong cơ cấu giá thực tế phát sinh như chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, lãi vay trong và sau thời gian lưu thông... nhưng chưa được quy định trong cơ cấu giá cơ sở.

Trong cơ chế trích lập, khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá mà kết quả kinh doanh bị lỗ vẫn phải trích lập quỹ, doanh nghiệp phải lấy vốn của mình để trích lập Quỹ Bình ổn giá. Giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì sẽ không có Quỹ Bình ổn giá cho người tiêu dùng, dẫn đến làm tăng chi phí, tăng giá cơ sở. Do đó, việc trích lập quỹ không có ý nghĩa, doanh nghiệp đã lỗ càng thêm lỗ.

KTNN cũng cho rằng, bản thân Quỹ Bình ổn giá dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư quỹ khi chưa sử dụng mang lại. Việc để quỹ tại doanh nghiệp có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro cao mà không có biện pháp phòng ngừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem