Khi đời không là mơ
Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia đại diện châu Á tranh tài tại World Cup 2014 với rất nhiều kỳ vọng. 12 năm trước, khi là đồng chủ nhà của World Cup 2002, Nhật Bản từng lọt qua vòng bảng, còn Hàn Quốc giành hạng tư chung cuộc. Bốn năm trước, trên đất Nam Phi, cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mặt ở vòng 1/8. Người châu Á tin tưởng rằng, khoảng cách về đẳng cấp với các châu lục khác đã được thu hẹp.
Trước giải, HLV Hong Myung Bo của Hàn Quốc khẳng định: "Chúng tôi có kỷ niệm đẹp ở lần dự World Cup tại Nam Phi. Khi đó, chúng tôi đã vượt qua vòng bảng. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của toàn đội tại Brazil năm nay”. Tiền đạo Keisuke Honda của Nhật Bản thậm chí còn mơ mộng hơn khi tin “những samurai xanh” có thể vào đến tứ kết. Nhưng nói là một chuyện, làm được không lại là chuyện khác.
Thực tế bóng đá châu Á chưa thoát khỏi cảnh lực bất tòng tâm. 4 đại diện châu Á (tính cả Australia ở châu Đại dương, nhưng dự World Cup 2014 với tư cách là đại diện châu Á) đã trải qua 12 trận trước đó không biết mùi chiến thắng, 3 trận hòa, 9 thất bại và đều khép lại giải đấu với vị trí bét bảng. Nỗ lực của các đội châu Á là rất đáng ghi nhận, đặc biệt ở các cuộc so tài mà đối thủ của họ toàn ứng cử viên vô địch, khi Iran chạm trán Argentina, Australia đụng độ Hà Lan. Nhưng khi đã cố gắng đến tận cùng khả năng mà vẫn bị loại, các đội châu Á sẽ phải tự vấn về năng lực của mình.
Chính tiền đạo Honda, sau khi Nhật Bản bị loại sớm đã phải thừa nhận: “Bị loại ngay từ vòng bảng là điều đáng thất vọng, nhưng chúng tôi không thể chối bỏ thực tế đó”.
Bùng nổ bất ngờ và tiếng còi méo
Ngoài kết quả thất vọng của các đội châu Á, vòng bảng World Cup 2014 còn tạo ra nhiều dấu ấn, trong đó nổi bật là hàng loạt bất ngờ từ phía những “ngựa ô” và các sai lầm đáng trách của những “vua sân cỏ”. Anh, Tây Ban Nha, Italia là những ông lớn phải nói lời tạm biệt từ rất sớm. Không ai có thể tin, đội bóng bị đánh giá là “cam phận lót đường” như Costa Rica lại đàng hoàng vào vòng 1/8 với tư cách là đội đầu bảng D cùng thành tích bất bại (thắng Uruguay, Italia, hòa Anh). Bờ Biển Ngà tưởng được ăn mừng chiến công vượt qua vòng bảng lần đầu trong lịch sử, nhưng lại bị Hy Lạp nẫng trên tay chiếc vé vào phút bù giờ. Các đội không được đánh giá cao lại bùng nổ như Hà Lan, Pháp.
Trong 12 trận đã đấu của các đội bóng châu Á tại vòng bảng World Cup 2014, 4 đội châu Á chỉ ghi được 9 bàn thắng nhưng lại để lọt lưới tới 23 bàn.
World Cup 2014 có rất nhiều bàn thắng, tràn ngập kịch tính, nhưng vòng bảng vẫn không trọn vẹn bởi các trọng tài đã mắc nhiều sai lầm. Ngay từ ngày khai mạc vấn đề này đã gây tranh cãi khi ông Nishimura bị Croatia tố đã thổi ép khiến họ thua chủ nhà Brazil. Đỉnh điểm của việc “quýt làm, cam chịu” là ông Peter O’Leary người New Zealand đã không công nhận bàn thắng hợp lệ của Edin Dzeko trong trận Bosnia-Nigeria khiến Bosnia thua trận và bị loại sớm. Chính Dzeko đã rất bức xúc khi cho rằng: “Chúng tôi buồn khi bị loại sớm, nhưng ông trọng tài mới là người đáng bị đuổi về nhà hơn”.
World Cup 2014 đã áp dụng công nghệ goal-line để hỗ trợ trọng tài trong việc xác định bàn thắng nhưng chưa có công nghệ nào giúp “vua sân cỏ” thay đổi quyết định từ những tình huống việt vị, phạm lỗi… Vì thế, các đội bóng vẫn phải chấp nhận sai lầm (nếu có) của trọng tài như một phần của cuộc chơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.