Kẹt van tim nhân tạo suýt chết vì không đi tái khám định kỳ

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 03/03/2024 06:13 AM (GMT+7)
Được thay van tim nhân tạo nhưng bệnh nhân lại không tái khám định kỳ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa cứu sống 1 bệnh nhân bị kẹt van tim suýt đe dọa tính mạng. 

Bệnh nhân là bà Trần Thị O. (63 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Theo gia đình cho biết, bà O. từng mắc bệnh lý van tim và được phẫu thuật thay van nhân tạo cơ học từ năm 2019. 

Sức khỏe của bà hồi phục tốt sau thay van tim, tuy nhiên trước vào viện vài ngày, bà O. ở nhà đột ngột khó thở nhiều, tím môi, phù hai chân dưới, được đưa vào cấp cứu. 

Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết khoảng một năm nay không tái khám định kỳ, thuốc chống đông sử dụng không thường xuyên.

Kẹt van tim nhân tạo suýt chết vì không đi tái khám định kỳ- Ảnh 1.

Van hai lá cơ học qua hình ảnh mô phỏng. Ảnh BVCC

Các bác sĩ thăm khám nghe tiếng van cơ học mờ, kết quả xét nghiệm liều chống đông không đạt, siêu âm tim cấp cứu phát hiện cánh van hai lá cơ học di động kém. Bệnh nhân được chẩn đoán kẹt cấp van hai lá cơ học trên nền bệnh nhân phẫu thuật thay van tim.

Theo bác sĩ Ngô Văn Tuấn, Phó phụ trách khoa Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Quảng NInh), đây là ca bệnh hiếm gặp ngay cả với tuyến trung ương, các bác sĩ khoa Tim mạch đã hội chẩn kỹ lưỡng để cân nhắc phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. 

Đánh giá việc phẫu thuật cấp cứu không khả thi do tuổi cao sức yếu, bệnh nhân mới mổ tim hơn 4 năm, xương ức yếu, các nguy cơ trong cuộc mổ rất cao. Trước tình trạng kẹt van tim cấp tính phải xử trí gấp, các bác sĩ quyết định lần đầu tiên sử dụng phác đồ tiêu sợi huyết liều thấp. 

Sau truyền thuốc tiêu sợi huyết 6 giờ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện tích cực, người bệnh đỡ khó thở, dần tự thở không cần máy trợ thở. Siêu âm tim kiểm tra thấy van hoạt động bình thường trở lại. Sau 1 tuần điều trị, kết quả xét nghiệm đạt liều chống đông, bệnh nhân ổn định được ra viện.

Bác sĩ Tuấn cho biết, trong những năm gần đây, mổ thay van tim là kỹ thuật phổ biến và hiệu quả nhất để sửa chữa những lá van bị hỏng, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của nhiều người bệnh. 

Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật mổ cùng như theo dõi, hồi sức trong và sau mổ đã giúp các cuộc phẫu thuật thay van tim ngày càng trở nên thường quy và an toàn hơn với người bệnh. 

"Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân gặp phải biến cố muộn sau phẫu thuật, trong đó huyết khối van tim nhân tạo là một trong những biến chứng nặng nề và nguy cơ tử vong cận kề nếu không được cấp cứu kịp thời. 

Nguyên nhân phần lớn của tình trạng này việc không tuân thủ sử dụng thuốc đông và tái khám định kỳ", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh. 

Kẹt van tim nhân tạo suýt chết vì không đi tái khám định kỳ- Ảnh 2.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn, Phó phụ trách khoa Tim mạch thăm khám lại cho bệnh nhân bị kẹt van tim nhân tạo do huyết khối. Ảnh BVCC

Bác sĩ Tuấn cho biết: “Đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân kẹt van tim. 

Một ca bệnh chưa từng có tiền lệ trước đó nên chúng tôi hội chẩn kỹ lưỡng, cẩn trọng tính toán liều tiêu sợi huyết an toàn, hạn chế cho người bệnh, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt là tránh được cuộc mổ lại nặng nề, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh”.

Theo bác sĩ Tuấn, tắc nghẽn van tim cơ học do cục máu đông là mối hiểm họa lớn nhất cho các bệnh nhân phải thay van tim nhân tạo. 

Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu như cục máu đông bít tắc hoàn toàn khiến máu không lưu thông được. 

Trước đây, khi chưa phát triển kỹ thuật chẩn đoán, có tới 50% ca tử vong do kẹt van cơ học chỉ được phát hiện nguyên nhân khi xét nghiệm tử thi. Do vậy, việc phát hiện sớm kẹt van tim và điều trị chuẩn xác có ý nghĩa sống còn với người bệnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem