Khắc phục hậu quả chiến tranh: "Mỹ muốn đáp lại sự nhân văn của Việt Nam"

M.H. Thứ năm, ngày 27/07/2023 16:02 PM (GMT+7)
Khắc phục hậu quả chiến tranh để sửa chữa những sai lầm của quá khứ, hàn gắn vết thương chiến tranh là lĩnh vực hợp tác rất có ý nghĩa giữa Việt Nam và Mỹ để biến đau thương, thù hận thành mối quan hệ sâu sắc, bền vững.
Bình luận 0

Tiếp tục thúc đẩy làm sạch dioxin

10 năm qua đã có nhiều nỗ lực của Mỹ làm việc với Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh, từ xử lý bom chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật, đến làm sạch các điểm nóng nhiễm dioxin ở các sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, tìm kiếm người mất tích.

“Không thể phủ nhận là chúng ta đã thành công”  - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu trong cuộc gặp gỡ bàn tròn nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác toàn diện Việt - Mỹ. 

Liên tiếp trong 2 ngày qua, phía Mỹ đã công bố các dự án giúp Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh. Mới nhất, hôm nay 27/7 Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố trao một hợp đồng thầu trị giá 32 triệu USD cho công ty của Hoa Kỳ là Tetra Tech trong khuôn khổ dự án xử lý dioxin ở trong và quanh Sân bay Biên Hòa.

Khắc phục hậu quả chiến tranh: "Mỹ muốn đáp lại sự nhân văn của Việt Nam" - Ảnh 1.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trồng cây tại công viên đã xử lý xong dioxin trong sân bay Biên Hòa. Ảnh: Tuệ Mẫn.

Theo hợp đồng này, Tetra Tech sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và xử lý đất và trầm tích ô nhiễm dioxin nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong khu vực sân bay cũng như các cộng đồng xung quanh, tiến đến mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.

“Chúng tôi cam kết hợp tác với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng nỗ lực tẩy độc dioxin tiếp tục được thực hiện” - Đại sứ Knapper nói.  Việc này sẽ giúp các sân bay  “phát triển hơn nữa với sự tăng trưởng lớn về lưu lượng hành khách, giúp cho các cộng đồng lân cận sử dụng đất một cách hiệu quả để làm nhà ở, trường học hay nông nghiệp”. 

Tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power cùng các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cũng công bố một hợp đồng trị giá 73 triệu USD được USAID trao cho công ty xử lý môi trường của Mỹ là Nelson Environmental Remediation USA để thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý phục vụ việc làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hoà.

Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà, bắt đầu từ tháng 4/2019, dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp 218,255 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này. Một khu đất nằm ngoài sân bay, gần cổng 2, đã được làm sạch dioxin và được phía Mỹ bàn giao cho Việt Nam và xây dựng một công viên cho công chúng.

Công nghệ mới để xác định hài cốt liệt sỹ 

Ngoài ra,  tìm kiếm người Mỹ mất tích là lĩnh vực mà phía Mỹ rất coi trọng. Đại sứ Knapper cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan tìm kiếm người mất tích của Việt Nam vừa kỷ niệm 35 năm hợp tác: “Trong 35 năm qua chúng tôi đã làm việc cùng nhau để cố gắng tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích và giúp khép lại những chương đau buồn cho các gia đình mất đi  người thân yêu”. Cho đến giờ, phía Việt Nam đã giúp tìm kiếm và xác định danh tính hơn 700 quân nhân Mỹ tại Việt Nam.

Việc hợp tác tìm kiếm người mất tính có bước phát triển rất ý nghĩa kể từ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin 2 năm trước, trong đó “phía Mỹ đã thông báo rằng nỗ lực và hợp tác với Việt Nam để tìm kiếm các mộ tập thể của các liệt sỹ Việt Nam còn mất tích mà chúng tôi biết là hàng trăm nghìn người” - Đại sứ cho biết.

Khắc phục hậu quả chiến tranh: "Mỹ muốn đáp lại sự nhân văn của Việt Nam" - Ảnh 2.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper tới thăm Trung tâm giám định ADN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) hôm 26/7. Ảnh: ĐSQHK.

Cụ thể, Đại sứ Knapper nói: “Nỗ lực tìm kiếm các liệt sỹ còn mất tích của Việt Nam gồm hai phần, một phần sẽ liên quan đến nghiên cứu lưu trữ, về cơ bản là làm việc với các nhà sử học, nhà lưu trữ của Việt Nam, để có truy cập vào các kho lưu trữ của Hoa Kỳ có hồ sơ về nơi diễn ra các trận chiến, có thể là nơi những người Việt Nam đó ngã xuống. Hy vọng hai bên sẽ tìm thấy các thông tin cần thiết để tìm được  hài cốt liệt sỹ.

Phần thứ hai là khi những hài cốt đó được quy tập, làm thế nào để chúng ta xác định được tên tuổi của họ. Đây là lĩnh vực mà phía Mỹ đang làm việc với Việt Nam. 

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã tài trợ 7,4 triệu USD cho một dự án Giám định hài cốt, là sự hợp tác giữa Viện Hàn KHCNVN và Ủy ban Quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) về nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh.

Trong khuôn khổ dự án Giám định hài cốt, ICMP đã nỗ lực phát triển một công nghệ tách chiết ADN nhân đã được hiệu chỉnh để giải quyết thách thức của Việt Nam đối với các mẫu hài hốt bị phân hủy nặng.

Công nghệ mới này sẽ đem tới bước ngoặt mới trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và người mất tích ở Việt Nam. Các kết quả đáng khích lệ đã được ghi nhận sau một vài tháng thử nghiệm chuyên sâu trên các mẫu hài cốt được vận chuyển trực tiếp đến ICMP tại Hague vào tháng 2/2023

Hôm 26/7, USAID,  thông báo, thông qua ICMP, USAID  dự kiến sẽ giúp trang bị cho Trung tâm giám định ADN một phòng xét nghiệm với các thiết bị, kỹ thuật và vật liệu giám định ADN tiên tiến, giúp trung tâm đủ khả năng tách chiết thành công ADN có thể sử dụng được từ các mẫu xương đã bị phân hủy nặng của Việt Nam.

Dự án cũng  phát triển một hệ thống toàn diện để đối khớp ADN từ hài cốt bị phân hủy nặng với ADN từ các gia đình đang tìm kiếm người thân. Dự án là một phần trong Sáng kiến Tìm kiếm Người Việt Nam mất tích của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đại sứ Knapper cho biết, những nỗ lực này của phía Mỹ là để đáp lại “sự hào phóng và nhân văn to lớn mà người Việt Nam đã thể hiện trong nhiều năm qua trong việc giúp giải quyết vấn đề người mất tích của chính phía Mỹ”. 

Thời gian tới, ICMP sẽ làm việc chặt chẽ với Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để nâng cao năng lực cho phía Việt Nam trong ứng dụng các công nghệ ADN tiên tiến để định danh số lượng lớn người mất tích. 

Bà Thảo Griffiths, Ủy viên Ủy ban Quốc tế về người mất tích ICMP nói: “Chúng tôi hy vọng rằng công nghệ này sẽ không chỉ giúp Việt Nam định danh số lượng lớn người mất tích và hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin, mà còn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực di truyền học pháp y, từ đó có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN trong các nỗ lực định danh người mất tích do các lý do thiên tai và con người,” bà Griffiths phát biểu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem