Khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng, hai gia đình vụ thâu tóm "đất vàng" ở Bình Dương có được xem xét đặc biệt?

Quang Trung Thứ ba, ngày 23/08/2022 11:02 AM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh cùng con gái, con rể nộp 330 tỷ đồng, vợ chồng Chủ tịch hai công ty "sân sau" của ông Minh nộp 760 tỷ đồng. Với số tiền khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng, những người trên có được xem xét đặc biệt?
Bình luận 0

Hai gia đình khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng

Liên quan đến vụ "đất vàng" ở Bình Dương, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án với 28 bị cáo.

Theo đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cùng bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng, hai gia đình vụ thâu tóm "đất vàng" ở Bình Dương có được xem xét đặc biệt? - Ảnh 1.

Vụ thâu tóm "đất vàng" ở Bình Dường, cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh cùng con gái, con rể nộp 330 tỷ đồng. Ảnh: Nam Anh.

Bị cáo Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương  bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) bị xác định có vai trò chủ mưu nên bị đề nghị mức án cao nhất cho cả hai tội danh: 29 - 30 năm tù.

Con rể của ông Minh, bị cáo Nguyễn Đại Dương, bị đề nghị 6 - 7 năm tù. Con gái của ông Minh, bị cáo Nguyễn Thục Anh, bị đề nghị 3 - 4 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 3 - 4 năm tù, mức án cao nhất 24 - 26 năm tù.

Trong giai đoạn trước xét xử, nhà chức trách xác định phía gia đình ông Minh đã nộp khắc phục hơn 330 tỷ đồng, trong đó 126 tỷ đồng trong sai phạm liên quan khu đất 43 ha, và 203 tỷ đồng trong cáo buộc tham ô tài sản.

Vợ chồng hai cựu chủ tịch, Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý cũng được xác định đã hoàn trả toàn bộ số tiền hưởng lợi kèm lãi phát sinh, khoảng 761 tỷ đồng.

Khắc phục hơn 1.000 tỷ có được xem xét đặc biệt?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đối với vụ án hình sự mà bị cáo nhận thức được sai phạm của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có đủ căn cứ để kết tội đối với bị cáo, đây là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.

Theo ông Cường, đây là vụ án hình sự phức tạp, với nhiều bị cáo, nhiều bị cáo có chức vụ quyền hạn, có hiểu biết pháp luật và bị quy kết về nhiều tội danh trong đó có tội tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn.

Bởi vậy, với số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại đặc biệt lớn, với tính chất nghiêm trọng của vụ án này, những bị cáo bị luận tội về tội tham ô tài sản sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt là tử hình. Có lẽ vì vậy mà bị cáo  phải nhận thức rõ hành vi và trách nhiệm của mình.

Ông này cho rằng, trong trường hợp bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, không bồi thường khắc phục hậu quả nhưng tòa án có đủ căn cứ để kết tội, rất có thể tòa án sẽ áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Việc bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, nhận thức được hành vi của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả là yếu tố quan trọng để bị cáo có được mức hình phạt phù hợp.

Theo thông tin diễn biến của phiên tòa cho thấy, cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh cùng con gái, con rể nộp 330 tỷ đồng; vợ chồng chủ tịch hai công ty "sân sau" của ông Minh nộp 760 tỷ đồng.

Tổng số tiền bồi thường thiệt hại của các bị cáo cho đến nay tới hơn 1000 tỷ đồng, đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan chức năng thu được từ tội phạm tham nhũng.

Ngoài số tiền chiếm đoạt rất lớn, các bị cáo còn gây thiệt hại tới hàng ngàn tỉ đồng đối với nhà nước trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Bởi vậy, cơ quan tố tụng sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để đề nghị và áp dụng mức hình phạt phù hợp. 

Chính vì thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả mà khi đọc bản luận tội, cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Minh 29-30 năm tù vì hai tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đây là mức án đề nghị nặng nhất trong 28 bị cáo, do ông Minh bị cáo buộc "chủ mưu toàn bộ sai phạm". Con gái và con rể ông Minh lần lượt bị đề nghị 3-4 năm và 6-7 năm tù, trong khi Cường và vợ Như Ý bị đề nghị 3-4 năm và 6-7 năm tù.

Ông Cường cho biết, đây là mức đề nghị, là quan điểm của đại diệnVKS. Vấn đề này các luật sư bào chữa sẽ đưa ra quan điểm đối đáp và đề nghị với hội đồng xét xử về việc giải quyết vụ án.

Về nguyên tắc, trong quá trình tranh tụng sẽ có sự đương đầu, đối kháng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Quá trình tranh tụng là quá trình sử dụng chứng cứ và đánh giá chứng cứ, để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, giúp hội đồng xét xử nhìn nhận đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và công bằng nhất trước khi đi đến quyết định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem