“Khắc phục khuyết điểm để thành một Đảng văn minh”

Thứ tư, ngày 17/10/2012 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị công khai thừa nhận khuyết điểm lãnh đạo của mình và xin nhận một hình thức kỷ luật nào đó”.
Bình luận 0

GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ với PV NTNN sau khi Hội nghị T.Ư 6 bế mạc

Tại Hội nghị T.Ư 6, lần đầu tiên T.Ư đã bàn và ra Nghị quyết về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với phương châm, cần thực hiện quy hoạch "động" và "mở"… Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

img
GS.TSKH Phan Xuân Sơn

- Việc quy hoạch cán bộ ở các cấp đã thực hiện mấy năm nay rồi (trừ cấp cao nhất như BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Lần này T.Ư quyết định tiến hành cả ở cấp cao nhất. Điều này thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức về công tác cán bộ, tạo ra sự thống nhất về chính sách cho tất cả các loại cán bộ, ở tất cả các cấp, không có vùng nào là vùng “đặc quyền” trong công tác cán bộ của Đảng.

Thứ hai, việc quy hoạch cán bộ cấp cao, sẽ tạo ra sự chủ động, khắc phục tình trạng bị động về đội ngũ cán bộ này. Mặt khác, đã làm quy hoạch thì dù muốn hay không, ít hay nhiều, thể hiện được tính minh bạch, công khai, có tiêu chí, tiêu chuẩn, cho nên sẽ là sự đoán định được của công tác nhân sự cấp cao. Điều này sẽ hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền, câu kết các lợi ích cục bộ trong công tác nhân sự cấp cao.

Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể với việc quy hoạch cán bộ cấp cao. Theo ông, so sánh với một số nước trong khu vực hay trên thế giới, những tiêu chuẩn như vậy đã đủ?

- Nói “đủ” là phải nói cụ thể ở tầm mức, phạm vi nào? Đây cũng chỉ mới là những tiêu chuẩn rất chung thôi. Những tiêu chuẩn như vậy là rất cần thiết, cơ bản. Trong một nghị quyết thì không thể đưa ra các tiêu chí cụ thể được. Nhưng phải nói rằng để thực hiện được các tiêu chuẩn chung trên đây, cần phải có các tiêu chí cụ thể.

Tôi lấy ví dụ, tiêu chuẩn “tiêu biểu về trí tuệ”. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu. Tuy nhiên để xác định cho được một đồng chí đảng viên “tiêu biểu về trí tuệ” không đơn giản, phải có tiêu chí, quy trình thẩm định đánh giá, có hệ quy chiếu, có chủ thể đủ tầm về trí tuệ để đánh giá… Đó là việc của cả một cơ quan, thậm chí của toàn Đảng về công tác cán bộ.

Tuy nhiên, cán bộ cấp cao, mà cụ thể như đã nêu trong Nghị quyết là các Ủy viên Ban chấp hành T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần có những tố chất, phẩm chất khác với cán bộ “thường”. Có thể nói đây là các chính khách của Đảng và Nhà nước ta. Đây là quan chức chính trị, yêu cầu của đội ngũ này khác với đội ngũ cán bộ các cấp thấp hơn hay còn gọi là đội ngũ công chức.

Nếu như đặc trưng của đội ngũ này là tính “chính trị”, tính “lãnh đạo” (tầm nhìn, sáng kiến, khích lệ, lôi cuốn…) của nó, thì đặc trưng của đội ngũ công chức thường xuyên là tính chuyên môn, tính tác nghiệp của nó. Từ nhận thức những yêu cầu có tính đặc trưng như vậy, thì mới có thể làm tốt công tác quy hoạch các loại cán bộ, để công tác quy hoạch cán bộ của Đảng là thống nhất, nhưng không giống nhau.

Lần này, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 quy định “chuẩn bị nguồn quy hoạch dồi dào, mỗi chức danh có thể quy hoạch vài ba người, một người có thể quy hoạch vào vài ba chức danh”, điều này cho thấy bắt đầu có sự cạnh tranh và công khai trong công tác quy hoạch cán bộ?

- Việc mỗi chức danh quy hoạch vài ba người, một người có thể quy hoạch vài ba chức danh hay việc quy hoạch phải “động” và “mở”… là những chủ trương đã được thực hiện trong quy hoạch cán bộ các cấp. Tuy nhiên lần này Nghị quyết nói đến quy hoạch cán bộ cấp cao…

Đây không phải là cạnh tranh. Đã là “nguồn” thì phải có dự trữ. Bởi vì từ quy hoạch đến bổ nhiệm, đảm nhiệm một chức vụ thực sự có thể phải qua nhiều khâu, từ đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng ở các cương vị khác nhau…Việc này với việc cạnh tranh trong bầu cử ở nước ta và các nước là khác nhau. Và đó là một câu chuyện hay, mà nếu có dịp chúng ta sẽ bàn tới.

Lần đầu tiên tại một Hội nghị T.Ư, BCH T.Ư đã thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn. Theo ông, chất vấn trong Đảng có nên công khai cho dân biết như chất vấn tại Quốc hội?

- Sinh hoạt của một Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta là rất quan trọng và thu hút sự quan tâm của đảng viên và nhân dân. Nói có nên công khai hay không, thì nên quá đi rồi. Nhưng cũng như bất kỳ hoạt động nào của các cơ quan nhà nước, các đảng chính trị hoặc các tổ chức chính trị-xã hội khác, những gì thuộc bí mật theo quy định của tổ chức và pháp luật quốc gia thì cần phải bí mật.

“Phê và tự phê là quy luật sống, là thước đo sinh lực của Đảng ta. Điều đó không chỉ nói rằng lãnh đạo Đảng ta dũng cảm mà trong cội nguồn của nó, Đảng ta là một đảng mạnh, một đảng cách mạng, không vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”.

Ông có thể cho biết suy nghĩ của ông sau khi Hội nghị T.Ư 6 kết thúc. Đâu là điều ông tâm đắc nhất sau Hội nghị này?

- Hội nghị T.Ư 6 lần này cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, và trong lịch sử các cuộc vận động chỉnh đốn đảng, Bộ Chính trị công khai thừa nhận khuyết điểm lãnh đạo của mình và “xin nhận một hình thức kỷ luật nào đó”.

Là lần đầu tiên đặt vấn đề kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị vào chương trình nghị sự và tập thể BCH T.Ư quyết định không kỷ luật đồng chí đó. Lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư công khai, thành khẩn nói trước toàn đảng, trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về những khuyết điểm, yếu kém của Đảng và hứa sẽ sửa chữa. Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của Đảng. Bởi vì phê và tự phê là quy luật sống, là thước đo sinh lực của Đảng ta.

Tôi mong rằng, Đảng ta khắc phục được những yếu kém, khuyết điểm đó, để xứng đáng là một đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền, xứng đáng là Đảng đạo đức và văn minh.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem