Khách hàng Nhật xếp hàng chờ mua rau quả Việt Nam

Ngọc Lê Chủ nhật, ngày 19/03/2017 17:32 PM (GMT+7)
“Người Nhật hiện đang rất ưa chuộng các loại rau quả của Việt Nam như rau chân vịt, dứa, lạc tiên…, nhiều công ty, doanh nghiệp của Nhật đang xếp hàng chờ đơn hàng”, ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết như trên với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi khảo sát mô hình sản xuất rau quả tại Ninh Bình.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (bên phải) đang kiểm tra việc chế biến rau xuất khẩu tại Doverco

Ngày 19.3, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã về làm việc và khảo sát mô hình sản xuất rau quả tại Doveco (Ninh Bình). Chuyến khảo sát này nằm trong chương trình đẩy mạnh chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhất là ngành rau quả.

 Tại buổi làm việc, ông Khuê cho biết: “Hiện khu nông trường nông nghiệp tại Đồng Giao có diện tích 3.420ha, trong đó chủ yếu trồng dứa, còn lại là trồng lạc tiên (chanh leo), đậu tương rau, rau chân vịt, hành Nhật Bản, ngô ngọt, hẹ Nhật Bản. Hàng năm, công ty sản xuất chế biến khoảng 30.000 tấn sản phẩm và được xuất khẩu sang thị trường chính là Nhật Bản và 50 quốc gia khác”.

img

Công nhân của Doverco đổ dứa vào dây chuyền để ép dứa lấy nước

Ông Khuê cũng cho biết: Người Nhật Bản hiện rất ưa chuộng rau quả Việt Nam, các loại rau quả như dứa đóng hộp, lạc tiên, rau chân vịt… hiện có rất nhiều đối tác đang đặt hàng chờ đến lượt được mua. “Nhật Bản rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm, vì thế toàn bộ sản phẩm xuất sang thị trường này đều đòi hỏi phải được kiểm dịch nghiêm ngặt. Tiềm năng xuất khẩu rau quả vào thị trường này trong thời gian tới còn rất lớn”- ông Khuê tiết lộ.

Tại buổi làm việc và khảo sát thực địa sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Tổng nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới hiện rất lớn vào khoảng 650 tỷ USD/năm và sẽ gia tăng từ 8-10% trong vòng 10 năm tới, chưa kể nhu cầu tiêu thụ rau quả trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam hiện nay cũng tăng lên. Vì thế, Bộ NNPTNT xác định việc chuyển đổi lại cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các cây rau quả là hướng đi chính trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay”.

Trả lời các kiến nghị về vấn đề vốn, đất đai của Doveco, ông Cường cho biết: Ngay sau buổi làm việc này, lãnh đạo Bộ NNPTNT sẽ mời lãnh đạo Ngân hàng Agribank Việt Namcùng làm việc để giải quyết về vấn đề vốn vay, lãi suất cho Doveco theo hướng ưu tiên ngay nguồn vốn phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp này. “Thủ tướng Chính phủ vừa rồi đã có quyết định dành 100.000 tỷ đồng cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thì Doveco chính là đơn vị như thế, các ngân hàng cần tập trung cho vay vào đây chứ đâu”- ông Cường nói.

Đối với vấn đề đất, ông Cường đã cam kết sẽ giới thiệu cho Doveco 500ha “đất sạch”, liền mảnh tại Thái Bình để doanh nghiệp này có vùng nguyên liệu sản xuất các loại rau quả xuất khẩu sang Nhật Bản, đồng thời ông cũng gợi ý Doveco nên tập trung sản xuất cả cây măng bát độ, vì đây là sản phẩm mà người Nhật rất ưa chuộng.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cùng Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh và ông Đinh Cao Khuê (giữa)- Chủ tịch Doverco kiểm tra việc sản xuất dứa tại nông trường.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Cường cũng mong muốn lãnh đạo Doveco cần đề ra chiến lược phát triển công ty lên thành một Tập đoàn rau quả tầm cỡ trong khu vực, đồng thời xây dựng khu Trung tâm giống cây trồng, Tổ hợp chế biến rau quả lớn tại đây. Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, tỉnh Ninh Bình nên phát triển thành thủ phủ rau quả lớn của thế giới, nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm, du lịch của khách hàng quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem