Mới đây, như Dân Việt đã thông tin, hàng chục khách hàng tố cáo công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô thực hiện hành vi chiếm dụng vốn, sử dụng nguồn vốn sai mục đích và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc khách hàng ký kết văn bản giao dịch đặt mua căn hộ tại “Tòa nhà Căn hộ Khách sạn Coco Musica Resort” là tòa nhà cao tầng gồm nhiều căn hộ, tuy nhiên, chủ đầu tư lại không xây tòa nhà mà thay đổi quy hoạch chuyển qua nhà biệt thự cho thấy chủ đầu tư đã làm trái với văn bản giao dịch ban đầu giữa hai bên.
Theo Luật sư, Tòa Musica đã có văn bản pháp lý nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý đề nghị thay đổi phê duyệt, quy hoạch thì đây là việc vi phạm văn bản giao dịch với khách hàng. Để bảo vệ quyền lợi, khách hàng có thể kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu hoàn trả tiền hoặc yêu cầu Cơ quan nhà nước hủy các văn bản thay đổi phê duyệt dự án, quy hoạch để đảm bảo chủ đầu tư hoặc phải giải quyết xong tranh chấp với khách hàng rồi mới có thể tiếp tục thực hiện giao dịch mới.
“Bên cạnh đó, theo văn hóa giao dịch bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết việc mình áp dụng biện pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng, để bên kia đỡ thiệt hại hoặc có thể sử dụng các quyền (khiếu nại, khởi kiện) để bảo vệ quyền lợi của mình”, Luật sư Trần Đức Phượng nói.
Thỏa thuận đặt mua giữ khách hàng và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô.
Ngoài ra, Luật sư còn lưu ý thêm trong giao dịch này, văn bản giao dịch được gọi tên là “Thỏa thuận đặt mua”, số tiền đảm bảo được gọi lách là “đặt mua” mà không dùng thuật ngữ pháp lý “đặt cọc”. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật là dựa trên bản chất sự việc nên những chiêu, trò dùng thuật ngữ không đúng chỉ là để mọi người khó phát hiện hành vi vi phạm, đỡ ngượng khi diễn giải, hay thậm chí để dễ bề qua mặt bên xét xử.
“Những giao dịch dân sự có điều kiện được quy định tại Điều 120 Bộ Luật dân sự 2015 là được pháp luật thừa nhận. Quy định về giao dịch đặt cọc (Điều 328 Luật dân sự 2015) là biện pháp kèm theo đảm bảo cho giao dịch chính (mua bán, vay vốn,..). Tuy nhiên, văn bản giao dịch như “Thỏa thuận đặt mua” hoặc hình thức khác với nội dung buộc bên kia giao chủ đầu tư một khoản tiền như hiện nay là đều trái pháp luật, không phải là giao dịch dân sự có điều kiện như Điều 120 Bộ Luật dân sự 2015.
Bản chất đây là khoản tiền đặt cọc vẫn thuộc sở hữu của khách hàng, chủ đầu tư sử dụng khoản tiền này là chiếm đoạt sở hữu của khách hàng. Việc huy động vốn này là trái với quy định Điều 68 Luật Nhà ở 2014, Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản, văn bản pháp luật liên quan”, Luật sư thông tin.
Khách hàng của dự án “Tòa nhà Căn hộ Khách sạn Coco Musica Resort”.
Trao đổi với PV, đại diện các khách hàng cho hay, các chủ sở hữu yêu cầu Thành Đô phải trả tiền ngay khi khách hàng ký thanh lý. “Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu và không còn niềm tin với chủ đầu tư, yêu cầu Thành Đô phải trả tiền lại cho chúng tôi”, vị đại diện này bức xúc.
Về phía chủ đầu tư, đại diện Thành Đô cho biết, công ty đang lên lộ trình để trả tiền cho khách hàng sớm nhất có thể. “Công ty đang tiến hành lên lộ trình trả tiền lại cho khách hàng. Tôi xin khẳng định không có việc công ty chiếm đoạt tài sản khách hàng”, đại diện Thành Đô nói.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.