Tới thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, điều mà các du khách dễ dàng nhận ra là sự xuất hiện với “mật độ dày” đồng bào dân tộc thiểu số, mà chủ yếu là người Mông và người Dao đỏ. Chẳng cứ gì người lớn, ngay cả những em nhỏ chỉ 6-7 tuổi cũng có thể vừa địu em, vừa bán hàng rong.
Mặt hàng trên tay họ đơn giản chỉ là những chiếc vòng tết, túi thơm hoặc “cao cấp” hơn là ví thổ cẩm. Ở thị trấn du lịch nổi tiếng này, cứ mở mắt ra là bạn có thể nhìn thấy cảnh những đứa trẻ người Mông “đeo bám” khách du lịch cả nửa tiếng đồng hồ để nài nỉ mua hàng. Mục tiêu “chăn dắt” chủ yếu của họ chính là những “ông Tây mắt xanh mũi lõ”.
Theo lời giải thích của những người bán hàng thì du khách nước ngoài là những đối tượng có tiền hơn, và cũng dễ bị… bắt nạt hơn.
“Tôi đã ở Sa Pa hai ngày, và ngày nào tôi cũng phải mua mấy chiếc vòng, với giá 10.000 đồng/chiếc. Bọn trẻ cứ bám riết lấy tôi, thấy tội nghiệp quá nên đành phải mua. Thậm chí có đứa còn bảo với tôi: Không mua thì cho cháu tiền đi, cháu đói rồi. Công nhận, bọn trẻ ở đây nói tiếng Anh tốt thật”, chị Claire, người Pháp, chia sẻ.
Chị Claire vừa ngớt lời thì tôi thấy một “anh Tây” đang chạy như ma đuổi về phía mình, tay giữ chặt lồng ngực. Hỏi ra mới biết, anh vừa “thoát hiểm” khỏi một vòng vây “cộng đồng” bán đồ lưu niệm.
“Tôi bị đám trẻ và mấy người lớn quây lại. Họ ép tôi phải mua vòng bằng được, trong khi từ sáng tới giờ tôi đã mua hai chiếc rồi. Có lẽ, nhờ cái chân dài này, tôi mới thoát được ra khỏi cái vòng vây ấy”, anh Mark Taylor, người Australia kể trong hơi thở hổn hển, gấp gáp.
Lời kể của những vị khách ngoại quốc khiến tôi nhớ lại lần đưa hai người bạn Mỹ tới Sa Pa. Với cương vị “chủ nhà”, tôi đóng vai hướng dẫn viên du lịch cho họ. Khi ấy, cô bạn Jennifer của tôi rất thích hoa lan leo nên sà vào ngay một “quầy” bán hoa ngoài trời do một anh tre trẻ người Mông làm chủ.
“200 nghìn”, anh chủ tre trẻ ấy “phán” ngay tắp lự khi cô bạn ngoại quốc của tôi vừa mở miệng hỏi (trong khi ấy, tôi biết chắc chắn, nếu người bản địa mua, giò hoa lan ấy chỉ có giá khoảng 20 nghìn đồng).
Quyết bảo vệ túi tiền của bạn mình, tôi mở miệng mặc cả, thì đã bị anh người Mông mắng xơi xơi: “Tao đang bán hàng thì kệ tao chứ. Có phải tiền của mày đâu mà mày trả giá cho nó”!!!...
Rõ ràng, hình ảnh về một điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa đang “xuống cấp” vì trào lưu "chăn" khách nước ngoài. Thiết nghĩ, với những du khách bị “bắt nạt” đến hoảng hồn như vậy, liệu họ có còn dám trở lại với Sa Pa?
Thu Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.