Dù Hà Nội mưa dày hạt cũng không ngăn nổi các tín đồ thời trang tới mua hàng
Khai trương luôn là ngày thu hút số lượng khách hàng lớn nhất. Ngay từ lúc mở cửa, Zara Hà Nội đã đông nghẹt người, dù thời tiết không thực sự ủng hộ cho việc mua sắm.
Zara Hà Nội nhộn nhịp ngày đầu khai trương
Dù đã bổ sung lượng nhân viên từ Sài Gòn ra Hà Nội để đáp ứng nhu cầu tư vấn khách hàng khi mua sắm nhưng trong quá trình hoạt động đã có rất nhiều sự cố, thắc mắc phát sinh khiến nhân viên tại đây cũng "đứng hình". Điển hình là chị Nguyễn H. trong khi thử đồ đã bị chính những khách hàng khác lấy nhầm áo.
Sản phẩm Thu Đông được nhiều người lựa chọn
Chẳng riêng gì các chị em mà ngay cánh mày râu cũng tay xách, nách mang với những "chiến lợi phẩm" nhiều như thế này
Trong một diễn biến khác, khi nhân viên tiếp nhận thông tin tìm size của một sản phẩm mà không có tại cửa hàng, người đó sẽ phải đợi từ 20 phút đến 30 phút để nhân viên xuống kho lấy. "Chờ đợi" chính là một điều tối kị mà bất kỳ những khách hàng nào cũng cảm thấy không hài lòng khi mua hàng.
Chị Minh Nguyệt chia sẻ thêm: "Thực sự nếu không phải vì nhận mua giày giúp bạn thì tôi không đủ kiên nhẫn để chờ 3 lần số thời gian mà nhân viên thông báo, lần thứ nhất nhân viên xin lỗi vì lấy nhầm size, lần thứ 2 nhân viên xin lỗi vì chưa báo xuống kho và cho tới lần thứ 3 tôi mới cầm được đôi giày trên tay". Thế nhưng, câu chuyện mua giày của chị Minh Nguyệt chưa dừng ở đó khi chị tiết lộ thêm, giá tiền đôi giày khi gán trên tag bị chênh lên 100 ngàn đồng so với giá niêm yết trên website.
Quầy thu tiền chặt cứng người xếp hàng đợi thanh toán
Quần áo sau khi được khách hàng diện thử bỗng biến thành "hàng thùng" chất đống lôi thôi
Khách hàng không ngần ngại thử đồ ngay tại khu vực gian hàng
Khách hàng đăng kí số điện thoại để đăng ký phòng thay đồ
Rắc rối thứ 3 và cũng là điểm dễ thấy nhất trong các cửa hàng thời trang. Dù tại Zara, đã được trang bị thiết bị bấm số lấy lượt hiện đại nhưng chỉ khi khách hàng ùn ùn kéo tới trước các phòng thử đồ nhân viên mới ra hướng dẫn. Từ đó mà gây nên những hệ lụy về việc rất nhiều khách hàng "cởi quần, cởi áo" thử đồ ngay tại khu mua sắm, mang lại cái nhìn phản cảm.
Tín đồ Việt nói sao khi thương hiệu bình dân lớn nhất thế giới về Việt Nam
Phần lớn những người mua hàng tại Zara khi nhận được câu hỏi nêu cảm nghĩ về việc thương hiệu của Tây Ban Nha về Việt Nam, cụ thể là Hà Nội thì họ đều tỏ ra phấn khích, vui mừng ra mặt. Ngoài việc giúp thời gian mua sắm, di chuyển tiện lợi hơn thì Zara còn nhận được điểm cộng khi giá cả không chênh quá nhiều so với các cửa hàng trên toàn thế giới.
Mẫu nhí Hà Thiên Trang hào hứng chia sẻ khi được hỏi về sự kiện Zara về Hà Nội, "Cháu cảm thấy vui vì Zara về Hà Nội bởi trước đó cháu cùng mẹ và dì qua Singapore để mua đồ từ 10 giờ sáng tới tận khuya mới về, đã thế còn để lạc mất cháu vì quá mải miết shopping".
Mẫu nhí Thiên Trang
Việc một số mặt hàng có trên website nhưng không có tại cửa hàng cũng khiến nhiều người chưa hài lòng. Một tín đồ của Zara và H&M là chị Trần Việt Phương cho hay: "Tôi thấy tiện lợi hơn khi cả 2 thương hiệu mình thích đều về Việt Nam nhưng buồn một nỗi, cả 2 lần khai trương trong Sài Gòn và Hà Nội có mua đồ thì hàng chỉ có trên website mà không có tại store (cửa hàng), có lẽ đấy cũng là một thiệt thòi lớn đối với các tín đồ Việt".
Nhiều người cho rằng khi các thương hiệu Zara, H&M đổ bộ vào Việt Nam sẽ khiến dân nhập hàng online các sản phẩm này phải "điêu đứng". Tuy nhiên, Kiều Anh - chủ một shop thời trang chuyên order hàng bình dân như Zara, H&M và các thương hiệu châu Âu phản ứng linh động hơn: "Nếu số lượng khách hàng ít có lẽ tôi sẽ bỏ luôn không nhận đơn hàng hoặc chỉ canh giá sale các sản phẩm tại nước ngoài để mua, vì thường mỗi nước có thời gian giảm giá khác nhau. Nói chung còn người mua thì tôi vẫn sẽ bán, bởi tôi kết hợp order hàng của nhiều thương hiệu khác chứ không riêng gì H&M, Zara".
Kiều Anh
Sự kiện khai trương cửa hàng Zara đầu tiên tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người hâm mộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.