Khai giảng và học trực tuyến: Lưu lượng Internet vào Zoom, Meet, Teams... tăng tới 4 lần

Ngọc Phạm Thứ tư, ngày 08/09/2021 07:55 AM (GMT+7)
Lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom,... đã tăng gấp 4 lần so với các ngày thông thường.
Bình luận 0

Các thầy cô giáo và học sinh trên cả nước đã nô nức khai giảng năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đây là lần đầu tiên nhiều tỉnh, thành phố phải khai giảng trực tuyến (online). Theo đó, học sinh và phụ huynh đã ở nhà xem tường thuật trực tiếp buổi lễ khai giảng qua màn hình TV, laptop, tablet hay smartphone,...

Sau lễ khai giảng, tùy địa phương, học sinh các cấp sẽ bắt đầu năm học mới vào những thời điểm khác nhau. Trong đó, học online vẫn là hình thức được ưu tiên ở một số "vùng đỏ" (vùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19), để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các học sinh lúc này.

img

Học online đang diễn ra tại nhiều nơi trong những ngày đầu tháng 9/2021.

Ngoài các bài giảng dưới dạng video quay sẵn phát trên truyền hình, Internet thì giáo viên còn trực tiếp dạy qua ứng dụng Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams,... Tùy địa phương, tùy nhà trường, ứng dụng được chọn có thể khác nhau. Khi đó, thiết bị công nghệ hỗ trợ và đường truyền Internet là hai yếu tố tiên quyết phải có.

Trao đổi với PV, đại diện nhà mạng FPT Telecom thông tin, trong thời điểm khai giảng, FPT Telecom ghi nhận lưu lượng sử dụng Internet tăng gấp 2 - 3 lần so với thông thường, nhưng không xảy ra nghẽn mạng hoặc quá tải.

"Lưu lượng dự phòng của FPT Telecom hiện tại đảm bảo chất lượng dịch vụ của toàn bộ khách hàng, hoàn toàn không bị ảnh hưởng trong sự cố lần này", đại diện FPT Telecom khẳng định và cho biết đang ưu tiên luồng truy cập vào các nền tảng học tập, làm việc trực tuyến thông dụng như Zoom, Google Meet, Webex, On Meeting,…

Theo đại diện FPT Telecom, khung giờ học trực tuyến của học sinh hiện tại chủ yếu từ khoảng 7 - 17h các ngày trong tuần. Đây không phải là khung giờ cao điểm truy cập Internet theo thống kê của FPT Telecom. Do đó, việc bố mẹ làm việc online và con học trực tuyến luôn được đảm bảo đối với các khách hàng gia đình của nhà mạng này.

img

Cáp quang AAG chưa sửa chữa xong thì thêm tuyến cáp AAE-1 bị mất kết nối.

Còn đại diện nhà mạng VNPT cho biết, tại ngày khai giảng (5/9) và ngày đầu tiên của năm học (6/9), lưu lượng sử dụng các hệ thống truyền hình trực tuyến như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom,... đã tăng gấp 4 lần so với các ngày thông thường trước đó.

Về sự cố liên quan tuyến cáp biển AAE-1, vị đại diện cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ đơn vị vận hành cáp, VNPT đã ưu tiên định tuyến lưu lượng để đảm bảo ổn định cho các dịch vụ học tập trực tuyến, họp online. Đến chiều 6/9, lưu lượng Internet trên mạng lưới của VNPT đã bình thường trở lại.

Trước đó, để đảm bảo năng lực mạng lưới Internet đáp ứng nhu cầu học online của học sinh, sinh viên sau ngày khai giảng, cũng như phục vụ họp trực tuyến các cơ quan/doanh nghiệp trong tình hình giãn cách xã hội, VNPT đã tăng cường kết nối để đảm bảo lưu lượng với các nhà cung cấp hệ thống truyền hình trực tuyến (Microsoft Teams, Google Meet, Zoom,...).

Song song đó, VNPT đang đấu nối kênh ứng cứu khẩn cấp đến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến, và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021. Mục tiêu là đảm bảo phục vụ nhu cầu học và làm việc online của khách hàng trong thời gian này.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 diễn ra ngày 6/9, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc dạy và học trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly phải khai thác các phương tiện khác nhau. Trong đó có tận dụng học liệu điện tử, dạy và học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo,...

Về vấn đề đường truyền Internet, thứ trưởng Bộ GD&ĐT ước chừng: Khi truyền lượng video lớn tới 20 triệu học sinh, sinh viên, nếu chỉ tính 10% tham gia học cùng lúc thì có 2 triệu học sinh, sinh viên tương tác với thầy cô bằng video qua mạng. Điều này theo ông là rất khó bảo đảm được đường truyền.

Vì vậy, phương án mà Bộ đẩy mạnh là hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tận dụng các bài giảng, bài học điện tử. Bộ đã chuẩn bị một kho học liệu lớn trên cổng thông tin điện tử kết nối với YouTube, trên Hệ tri thức Việt số hóa.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong điều kiện hiện nay, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần có sự chung tay của cả xã hội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên từ thiết bị, đường truyền, hướng dẫn phụ huynh, gia đình cùng hỗ trợ học sinh, đặc biệt lá các em lớp nhỏ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem