Khai mạc kỳ họp Quốc hội: Giá dầu tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn
Khai mạc kỳ họp Quốc hội: Giá dầu tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn
PVCT
Thứ hai, ngày 23/05/2022 06:31 AM (GMT+7)
Sáng 23/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). 8 giờ, Quốc hội tiến hành phiên họp trù bị. Đến 9 giờ, kỳ họp chính thức khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Theo chương trình, trong buổi sáng phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 2 thì kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có "một số thay đổi tích cực" như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo…
Tuy nhiên có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (tăng 1 chỉ tiêu là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%).
Với những tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý I đạt khá, ước tăng 5,03% so với cùng kỳ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chính phủ nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 02 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi, giá dầu tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm; đến ngày 25/4, vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn…
Vì vậy, để đạt các mục tiêu Quốc hội giao, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Song hành là chủ động có kịch bản điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu.
Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.