Chiều 13.8, UBND xã Hòa Bình (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có biên bản xác nhận, mỏ cát lậu có khối lượng lớn này được phát hiện nằm tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Qua kiểm tra ban đầu, ngay tại điểm tập kết (vùng giáp ranh giữa làng Pốk, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai và tiểu khu 571 làng Chor, xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) có khối lượng 380m3 cát và dưới lòng suối có cát lắng đọng cao ngang mặt đập tràn (cao khoảng hơn 1m), rộng 15m, dài gần 40m vẫn chưa được đo đạc.
Hiện trường điểm tập kết cát khai thác lậu.
Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Quốc Nghị - Chủ tịch UBND xã Ia Khươl xác nhận, sau khi nhận tin báo, công an xã đã đến hiện trường lập biên bản vi phạm và ông Rơ Châm Byir (người dân trong xã ở làng Pốk) đã đứng ra nhận là chủ khai thác số cát trên. Điểm khai thác cát này là đám ruộng của ông Byir và được ông Byir chặn lại dùng máy xúc xúc cát lên để cứu ruộng lúa, tránh bị cát ngập chứ không phải khai thác cát kinh doanh (?).
Trong ngày 13.8, UBND xã Ia Khươl cũng đã lập biên bản hành chính vụ việc. Tuy nhiên, trong biên bản vẫn còn để trống phần khối lượng vi phạm.
Cùng ngày, Trần Quốc Nghị - Chủ tịch UBND xã Ia Khươl đã ra khu vực hiện trường kiểm tra. Sau khi nghe một cán bộ xã kiểm tra tọa độ qua điện thoại, xác định: “Phần lòng suối thuộc địa phận xã Ia Khươl còn phần bãi tập kết cát nằm trên địa phận làng Chor, xã Hòa Bình (TP.Kon Tum)", ông Nghị nói: “Điểm tập kết cát nằm trên đại phận xã Hòa Bình nên xã Ia Khươl chỉ có trách nhiệm phối hợp xử lý”. Lâu nay, xã cũng hay kiểm tra nhưng không phát hiện tình trạng khai thác cát diễn ra ở đây.
Đoạn suối bị chặn dòng, gây sạt lở.
Theo biên bản hiện trường do Công an xã Ia Khươl lập, sau khi nhận được tin báo, xác định, số cát có khối lượng đo ban đầu có chiều cao 1m, dài 26m và rộng 20m. Gần khu vực hiện trường phát hiện 1 xe múc, 1 máy nổ, 1 đầu bơm và 1 ống dây. Sau đó, ông Rơ Châm Byir (làng Pốk) đã đứng ra nhận là người khai thác số cát trên với mục đích “cứu ruộng lúa của tôi”. Đồng thời thừa nhận việc xây bờ kè bằng bê tông là để chắn không cho cát chảy xuống các ruộng phía dưới.
Theo ông Byir khai nhận "mới hút 2 lần, mỗi lần 2-3 giờ” nhưng thực tế đo đạc tại hiện trường điểm tập kết đã có gần 400m3 cát, lòng suối còn chưa được kiểm kê. Việc hút cát được cho là không nhằm mục đích kinh doanh, “hút lên bờ cho bà con ai cần thì lấy về làm chuồng bò, xây công trình phụ”.
Cán bộ xã Ia Khươl kiểm tra tọa độ qua điện thoại và khẳng định bãi tập kết cát không thuộc địa phận xã Ia Khươl.
Theo ghi nhận tại hiện trường, bãi tập kết cát rất lớn được san ủi bằng phẳng, lối vào được lót cống bê tông. Trên bãi cát còn nhiều dấu vết xe có tải trọng lớn vận hành qua. Dưới lòng suối rộng khoảng 15m còn rất nhiều cát chưa được hút lên. Giữa suối được đắp một con đập nhỏ chặn dòng nước chảy qua một bên để hứng cát, phía bờ dài hơn 20m đã bị sạt lở một mảng lớn.
Chiều 13.8, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Đắc Thắng – Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường (huyện Chư Păh, Gia Lai) xác nhận, sáng 13.8 có nghe xã Ia Khươl gọi điện thoại báo lên là phát hiện một điểm khai thác cát lậu, nhưng chưa nhận được báo cáo bằng văn bản vì thế vẫn chưa có thống kê cụ thể về khối lượng cát vi phạm và hướng xử lý cụ thể.
Bãi cát có khối lượng khai thác rất lớn nhưng chính quyền không hay biết.
Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi khai thác cát để làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng khai thác từ 50m3 trở lên mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.