Một vấn đề mới được nêu ra trong báo cáo này là sẽ triển khai và đưa ngay vào khai thác các đoạn ngắn như Hà Nội - Thanh Hoá, TP. Hồ Chí Minh - Ninh Thuận (một phần của giai đoạn I) sau khi được hoàn thành để nhanh chóng tạo ra hiệu quả kinh tế và rút ngắn thời gian thu hồi vốn.
Theo bản báo cáo, việc nâng cấp đường sắt hiện tại sẽ gặp khó khăn về việc giải phóng mặt bằng, thi công phức tạp, làm đình trệ giao thông đường sắt, về lâu dài vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Vì vậy, tờ trình vẫn đề nghị “đi thẳng lên hiện đại” là thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Về giá vé, bản báo cáo lần này cũng đã đặt ra phương án bán vé “khiêm tốn” là nằm trong quãng 50-70% giá vé máy bay; không cứng nhắc theo 3 phương án 50%, 75% và 100% như tờ trình ban đầu.
Báo cáo nêu: “Ở nước ta hiện nay, giá vé đường sắt Thống Nhất bằng từ 40 - 60% giá vé máy bay hạng phổ thông. Vì vậy, trong các chính sách giá vé giả định của dự án, sử dụng giá vé cho đường sắt cao tốc bằng 50% hoặc 75% giá vé máy bay hạng phổ thông có thể chấp nhận được”.
Báo cáo cũng nêu rõ, đường sắt cao tốc chỉ đảm nhận việc vận tải hành khách đường dài. Còn thế mạnh của vận tải háng hóa vẫn thuộc về vận tải đường biển.
Theo ông Nguyễn Hữu Bằng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư khoảng 31 tỷ USD trong tổng số 56 tỷ USD để thực hiện dự án.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.