Khám phá kiến trúc ngôi nhà của người Tày ở Thái Nguyên

Lê San Thứ sáu, ngày 05/08/2016 11:15 AM (GMT+7)
Nhà của người Tày có 3 bếp, một bếp chính ở khu vực sinh hoạt chính của ngôi nhà. Khói lên sẽ làm cho căn nhà vững chắc hơn, ngô thóc giống đều buộc treo ở trên.
Bình luận 0

Trải qua nhiều thế hệ, những ngôi nhà của người Tày ở Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) vẫn tự hào giữ được cách dựng nhà, kết cấu ngôi nhà nguyên vẹn như tổ tiên để lại.

Theo ông Mông Văn Hoàng, xã Lam Vĩ, huyện Định Hoá, người Tày cũng như nhiều dân tộc khác dựng nhà sàn cao với mặt đất để ngăn không khí ẩm. Các ngôi nhà được làm bằng gỗ với nhiều cột cái cao 10m, rộng khoảng 40m.

“Ngày xưa phải bán cả đàn vịt 100 con mới nhờ được người lấy cây gỗ tốt về. Mỗi nhà cần từ 10 – 12 cây cột chính, do vậy phải chuẩn bị nhiều năm mới xong. Để đặt móng, dựng cây cột cái phải nhờ thầy cúng báo tổ tiên, thổ địa. Lúc trước chưa có máy móc, phải cần 30 trai tráng khoẻ mạnh mới kéo được cột lên. Vì vậy, tùy điều kiện mỗi gia đình, việc dựng nhà có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Nhưng quý nhất là anh em họ hàng sẽ cùng tham gia dựng nhà. Người giúp bó củi, tấm lá cọ, người giúp ngày công” – ông Hoàng nói.

img

Người Tày ở Định Hoá vẫn sinh hoạt trong những nếp nhà sàn truyền thống.  ảnh:  L.S 

Các cây cột ở nhà của người Tày không chôn thẳng xuống đất mà kê trên những viên đá. Ông Hoàng cho biết, lúc tôi dựng nhà phải đi vài cây số mới tìm được một viên đá ưng ý, buộc lên lưng trâu để mang về. Những viên đá vừa giữ thăng bằng cho ngôi nhà, vừa phải đặt đúng hướng thầy cúng đã đặt ra.

Dựng cột xong, người Tày phải chọn ngày, giờ để đánh nóc, làm vách, chọn hướng bếp. Bếp được kê theo hướng bàn thờ tổ tiên. Từ vị trí bếp, các không gian khác sẽ được bố trí theo sau: Ông bà ở nơi tôn quý, sạch sẽ nhất; bố mẹ ở chỗ nào để thuận tiện hương khói tổ tiên. Phòng con trai sẽ được bố trí để cô dâu mới về nhà đỡ bẽn lẽn. Người Tày cũng kiêng phụ nữ tới gần các nơi thờ tự...

Nhà của người Tày có 3 bếp, một bếp chính ở khu vực sinh hoạt chính của ngôi nhà. Khói lên sẽ làm cho căn nhà vững chắc hơn, ngô thóc giống đều buộc treo ở trên.

“Bếp chính không bao giờ tắt lửa. Rất nhiều nhà 5 - 7 năm chưa phải đi châm lửa, xin lửa của người khác. Những người dựng nhà mới đều đến xin lửa những ngôi nhà này để xin cái may của dòng họ. Bếp thứ 2 là một bếp nhỏ dùng để nấu thức ăn cho gia súc. Một bếp nữa để bên ngoài cho ông, bà sao chè, đun nước tiếp khách và sưởi lửa. Bếp phải cách xa nơi thờ tự vì theo phong tục của người Tày, phụ nữ không bao giờ được quay lưng về hướng bàn thờ. Do đó, bếp sẽ được làm sao cho tiện nhất, để người phụ nữ lên cầu thang không ảnh hưởng tới sinh hoạt chung” – ông Hoàng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem