Phố Hàng Cá
Phố Hàng Cá dài 124m, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, con phố kéo dài bắt đầu từ phố Hàng Đường chạy dài đến phố Thuốc Bắc, thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sử sách ghi lại, xưa kia, phố Hàng Cá là phần đất của thôn Đông Thuận, tổng Hậu Túc về sau đổi là tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Thời Pháp thuộc, phố có tên Poissonnerrie (phố Hàng Cá). Cho đến ngày sau Cách mạng tháng Tám, con phố này có tên chính thức là phố Hàng Cá và tên này tồn tại đến nay.
Một số tài liệu cũng cho rằng, xưa kia, phố thuộc khu vực sông Tô Lịch, nằm ở khu vực giáp ranh giữa phường Đông Hà và phường Vĩnh Thái. Khi sông chưa bị lấp, nơi đây là nơi tập trung bán cá, do vậy được gọi là trại Tiên Ngư (có nghĩa là cá tươi).
Phố Hàng Rươi
Hàng Rươi là một phố ngắn một trăm mét, sát lưng với phố Hàng Lược trên bờ phía tây sông Tô Lịch, thuộc đất thôn Yên Phú. Thời thực dân Pháp đô hộ, con phố đã mang tên là Hàng Rươi (Rue des Vers Blancs). Năm 1945, phố này được Nhà nước Việt Nam chính thức đặt tên là phố Hàng Rươi.
Một số người giải thích rằng xưa kia, nơi đây là bến sông Tô Lịch, hàng năm cứ đến mùa rươi, khoảng tháng 9 âm lịch, thì những người buôn rươi từ Hải Dương, Nam Định – địa phương có nhiều rươi sinh sản thường rủ nhau về đây buôn bán. Rươi là món ăn quý, có phong vị đặc trưng của đất Bắc. Món ăn từ rươi không kiểu cách, sang trọng như nem công chả phượng, nhưng ít ai được thưởng thức một món lạ như thế.
Vào mùa rươi, con phố lúc nào cũng tưng bừng, nhộn nhịp, thu hút đông du khách đến thăm và thưởng thức các món ăn từ rươi. Các nhà hàng ở phố Hàng Rươi có gần chục món ăn từ rươi để du khách thưởng thức như chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu, nem rươi, rươi kho, rươi rang…
Rươi được chở bằng thuyền theo đường thuỷ lên bến này bán buôn cho những người mang đi các phố bán lẻ.
Cho đến ngày nay, cũng như nhiều phố khác, phố Hàng Rươi không còn là chợ bán rươi nữa. Số nhà hàng chế biến món ăn từ rươi ít đi, các hộ gia đình đã chuyển sang nghề khác để có thu nhập cao hơn.
Phố Hàng Gà
Phố Hàng Gà dài 228m, đi từ phố Hàng Mã tới phố Bát Đàn. Phố này nối với phố Hàng Điếu, cắt ngã tư Hàng Vải, ngã tư Hàng Phèn-Cửa Đông. Phố hàng Gà xưa được xây dựng trên nền đất xưa của thôn Tân Lập-Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Trước kia, phố có tên là Thiên Tân, đến năm 1945 được gọi là Hàng Gà.
Theo các tài liệu ghi lại, thì phố được gọi là Hàng Gà vì ở đó có nhiều gia đình chuyên buôn bán gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, chim bồ câu... Người xưa kể rằng, những nhà bán gia cầm không mở cửa hàng mà bán hàng luôn ở trong nhà, với những chiếc lồng to nhốt khoảng năm sáu chục con. Buôn bán có uy tín, nhiều người thường đến tận nhà tìm mua.
Các nhà trong phố Hàng Gà xưa kia thường nằm trong các ngõ sâu, tập trung nhiều hộ gia đình, ngách đi nhỏ, chật hẹp, ẩm thấp. Giờ đây, phố Hàng Gà đã mang một diện mạo mới với nhiều cửa hàng đẹp đẽ khang trang và còn là một trong 10 phố cổ có mặt hàng chuyên doanh.
Phố Hàng Mắm
Phố Hàng Mắm ở trên địa phận hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Con phố này dài gần 200m, từ phố Trần Quang Khải chạy qua hai ngã tư Hàng Muối—Hàng Tre và Hàng Mắm—Nguyễn Hữu Huân rồi kết thúc ở ngã ba Hàng Bạc—Hàng Bè.
Theo tài liệu của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy, sau Đại chiến thứ nhất (1914—1918), trên phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bán mắm tôm đặc đựng trong chậu sành, gạt bằng xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi ra thùng gỗ bán dần; rồi cua rạm muối... Bán buôn là chính, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ do thương lái mang đi các tỉnh.
Những năm 1930, phố có thêm cửa hàng buôn các đồ hải sản để nấu cỗ như vây cá mập, bóng cá dưa, bóng cá thủ, sá sùng, tôm, mực khô, v.v.. Hiệu buôn mắm nổi tiếng là của cụ Tú Dâu (số 28, nhà cổ, thềm cao), Cự Xương (số 6), Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà sau là anh em trong một gia đình. Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá; nhà Ba Ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố, số 24, là nhà bán đồ đá lâu đời.
Tên cũ Hàng Mắm được chính thức sử dụng lại từ năm 1945, mặc dù sau đó ở đây không còn bán mắm mà mặt hàng chủ yếu là bia mộ, các loại bằng đá và đất nung.
Hữu Thắng (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.