Khánh Hòa: Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới, lợi nhuận tốt để nông dân mắt thấy, tai nghe

Công Tâm Thứ ba, ngày 29/12/2020 06:15 AM (GMT+7)
Ngày 28/12, Hội Nông dân Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị tổng kết đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân giai đoạn 2016 -2020” và đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010- 2020”.
Bình luận 0

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Lê Quốc Toàn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian thực hiện đề án, Hội Nông dân tỉnh đã được UBND tỉnh cấp trên 6,2 tỷ đồng để trực tiếp mở 137 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên, đã cấp chứng chỉ, chứng nhận cho 4.081 người.

Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa: Cần giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay cho hội viên, nông dân  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ếch tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đang giúp cho các hội viên, nông dân có thu nhập ổn định

Theo đó, các ngành nghề được đào tạo như: Kỹ thuật thú y, trồng cây ăn quả, trồng cây lương thực- thực phẩm, trồng và chăm sóc hoa – cây cảnh,…Các học viên sau khi tốt nghiệp đã nắm vững kiến thức cơ bản, có kỹ năng hành nghề cao và áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Toàn cho biết thêm, một số tổ hợp tác sau khi có nông dân đi học nghề được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho các thành viên. Đơn cử, mô hình trồng nấm, trồng dâu nuôi tằm, nuôi gà, trồng xoài Úc,…

Ông Toàn cho rằng, bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Một số lao động học nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm do thị trường tại chỗ chưa có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số cơ sở hội chưa tích cực trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân,…

Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa: Cần giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay cho hội viên, nông dân  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân giai đoạn 2016 -2020”

Ông Phạm Hồng Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, qua 10 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết nông dân đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.

Qua 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân huyện Cam Lâm đã phối hợp tổ chức 18 lớp/520 học viên. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thêm nghề nấu ăn, nuôi ếch, trồng nấm.

Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa: Cần giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay cho hội viên, nông dân  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân Khánh Hòa đề nghị trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học cho các lao động nông thôn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, lâu nay bà con nông dân sản xuất theo manh mún, sản xuất theo truyền thống nên rất lạc hậu. Chính vì đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp các hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa: Cần giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay cho hội viên, nông dân  - Ảnh 4.

Ông Lê Quang Toàn (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) trở thành hộ khá giả nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng

Trong thời gian tới, ông Trần Trọng Trung đề nghị về công tác đào tạo nghề các cấp phải đi theo đúng hướng, bài bản và bám sát vào thực tế. Cần giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả cho các hội viên, nông dân học tập kinh nghiệm.

Ông Trung cho hay, tại huyện Vạn Ninh có tỷ phú Lê Quang Toàn nhờ nuôi tôm thẻ mà cho thu nhập tiền tỷ/năm nên cũng cần giới thiệu cho bà con để học hỏi, tham quan.  

Còn tại huyện Cam Lâm có tổ hội trồng xoài mang lại thu nhập rất cao nên Hội ND địa phương cần giới thiệu cho những nông dân làm chưa hiệu quả đến để thăm quan học cách ghép, cách chăm sóc, bón phân.

Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã tặng giấy khen cho 15 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, giai đoạn 2010-2020 và tặng bằng khen cho 6 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân giai đoạn 2016 -2020".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem