Mỗi nơi một kiểu...
Phú Thọ, Nam Định là hai trong số 3 tỉnh điểm về triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg (về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020) một cách quyết liệt, tuy nhiên hoạt động ĐTKS ở mỗi nơi một khác...
|
Lớp học nghề ươm cây cho lao động nông thôn ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. |
Là tỉnh nhập cuộc với tinh thần hăng hái, đến nay Phú Thọ đang hoàn tất số liệu khảo sát theo 3 nội dung: Nhu cầu học nghề của nông dân, năng lực đáp ứng của cơ sở dạy nghề, khả năng tiếp nhận lao động (LĐ) của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Tráng - Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Mọi hoạt động ĐTKS chúng tôi đều kết hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh vì cơ quan này có kinh nghiệm chuyên môn nên quá trình thực hiện sẽ giảm được chi phí, hiệu quả cao. Sở LĐ-TB&XH chỉ nắm phần quản lý, chỉ đạo chung, tạo đầu ra cho LĐ khi kết thúc khoá học”.
Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ điều tra khảo sát, Cục Thống kê đã thiết kế một phần mềm quản lý thông tin đến từng địa chỉ ở 5 bảng khảo sát và sử dụng các điều tra viên có nghiệp vụ. “Khi triển khai, chỉ phải bồi dưỡng tập huấn nhanh, do đó chi phí cũng đỡ tốn kém hơn” - ông Tráng cho biết thêm.
Tuy nhiên, tại tỉnh Nam Định, đích thân ngành LĐ-TB&XH vào cuộc để khảo sát. Ông Vũ Kim Danh- Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho rằng: “Không nên để Cục Thống kê làm vì đơn vị này không thể nắm chắc nhu cầu, tâm lý, tình hình dạy nghề, do đó việc ĐTKS cũng sẽ hạn chế. Ngành LĐ-TB&XH sẽ làm tốt hơn hoạt động này”.
Cùng chung quan điểm này, hiện nay nhiều địa phương cũng giao việc ĐTKS cho các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm. Để hoạt động này được hiệu quả và thuận lợi, các hệ thống bảng biểu mà Tổng cục Dạy nghề ban hành cũng đã được chỉnh sửa khá nhiều. Mỗi địa phương chỉnh sửa theo một cách khác nhau để thuận lợi cho hoạt động ĐTKS, do đó cũng không có một tiêu chí chung để đánh giá kết quả của hoạt động này.
Làm điểm: Khó nhìn toàn diện!
Đứng trước bài toán kinh phí, nhân lực hầu hết các địa phương đều chọn giải pháp an toàn là tiến hành điều tra khảo sát điểm vì như vậy vừa đảm bảo kinh phí, vừa kịp tiến độ nhưng kết quả không mang tính toàn diện, khó hoạch định được chính sách dạy nghề dài hạn mà mục tiêu đề án đưa ra.
Thực tế triển khai hoạt động ĐTKS, ngoài cơ quan nào đứng ra khảo sát thì còn nhiều lo ngại về nhân tài, vật lực. Nói về điều này, ông Nguyễn Đình Tráng dẫn ra một thực tế: “Hiện nay để triển khai các hoạt động ban đầu, T.Ư và ngân sách tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 1,7 tỷ đồng.
Số kinh phí này, chúng tôi mới chỉ làm điểm tuyên truyền, khảo sát mà đã chật vật, nếu tiến hành khảo sát 100% số hộ thì kinh phí không hề nhỏ, ngân sách tỉnh chưa chắc đáp ứng được”.
Ông Vũ Văn Phong - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ- TB&XH tỉnh Ninh Bình nêu thực tế: "Hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc điều tra, tuy nhiên vì nhiều khó khăn, quá trình điều tra, khảo sát tỉnh cũng chỉ tiến hành điều tra khảo sát ở 8 huyện (với 60/126 xã, phường thị trấn).
Do vậy không thể lấy kết quả khảo sát ở một thôn mà nhân rộng ra toàn xã, một xã mà nhân ra toàn huyện, và càng không thể lấy số liệu một, hai năm dù là số liệu ban đầu ra để dự báo cho hoạt động dạy nghề của 10 năm sau được”. Cùng chung thực tế như Phú Thọ, Ninh Bình, nhiều tỉnh khác muốn thực hiện khảo sát 100% số hộ trên địa bàn để có cái nhìn toàn diện hơn về 3 nội dung khảo sát nhưng cũng... chịu.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.