Khảo sát về sự hài lòng của người dân nông thôn: Nông dân đang hài lòng nhất về điều gì?

P.V Thứ sáu, ngày 08/09/2023 19:18 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" do Viện Xã hội học tổ chức ngày 8/9, có một thông tin rất thú vị: Tỷ lệ hài lòng của người nông dân đều cao hơn so với nhóm cư dân nông thôn trong tất cả các vấn đề trong cuộc sống.
Bình luận 0

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" do Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, trình bày kết quả khảo sát về sự hài lòng của người dân nông thôn về các vấn đề trong cuộc sống, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, tỷ lệ hài lòng đối với các vấn đề kinh tế, lao động  - việc làm hiện ở mức thấp so với tỷ lệ người dân hài lòng với các dịch vụ y tế, giáo dục và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội hiện nay.

"Tỷ lệ hài lòng cao nhất (65%) đạt được trên lĩnh vực văn hóa là một kết quả khá ngạc nhiên", ông Đặng Nguyên Anh nói và cho biết thêm, trong khi người dân nông thôn Bắc bộ ít hài lòng nhất đối với vấn đề môi trường thì người dân nông thôn Nam bộ có tỷ lệ hài lòng thấp nhất về vấn đề lao động - việc làm, còn người dân nông thôn miền Trung, với nhiều khó khăn vất vả có tỷ lệ hài lòng thấp nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Đáng chú ý, tỷ lệ hài lòng của người nông dân đều cao hơn so với nhóm cư dân nông thôn trong tất cả các vấn đề trong cuộc sống, ngay cả đối với tình hình kinh tế, lao động - việc làm.

Theo GS.TS Đặng Nguyên Anh, các con số trong khảo sát có thể là cơ sở khoa học cho các giải pháp nhằm cải thiện đời sống sinh kế, môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội để đảm bảo sự hài lòng của người dân nông thôn hiện nay.

Khảo sát về sự hài lòng của người dân nông thôn: Nông dân đang hài lòng nhất về điều gì? - Ảnh 1.

TS.Cao Đức Phát, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tạ hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong bài tham luận về những thay đổi trong cấu trúc xã hội nông thôn và phát triển nông nghiệp Việt Nam, TS.Cao Đức Phát, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển, đất nước đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng nhiều người dân chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp, di cư vào đô thị. Ngày càng có nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

"Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của gần một thế kỷ qua, để thực hiện sứ mệnh của mình, Đảng phải tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nông hộ nhỏ lẻ để họ không bị bỏ rơi, không bị tụt hậu mà có cơ hội tiếp tục vươn lên. Nông hộ nhỏ sẽ phải đối diện với tình trạng lao động già hóa, chi phí cơ hội của nhân công cao. Tuy vậy, nông hộ nhỏ vẫn có thể phát huy tác dụng thông qua huy động các nguồn lực sẵn có kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, trở thành các cơ sở sản xuất nhỏ về diện tích nhưng lớn về giá trị", ông Cao Đức Phát nói.

Khảo sát về sự hài lòng của người dân nông thôn: Nông dân đang hài lòng nhất về điều gì? - Ảnh 2.

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: B.T

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm ở khu vực nông thôn cũng như ở Việt Nam nói chung từ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sang công nghiệp và dịch vụ đang diễn ra khá rõ trong mấy thập kỷ qua, nhất là từ khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới và chuyển đổi kinh tế.

Trong giai đoạn 2015 - 2021, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đang giảm và lao động giản đơn ở khu vực nông thôn giảm từ 63,7% xuống còn gần 50%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn còn cao so với thành thị nhưng cũng phải nhìn nhận rằng chính khu vực nông thôn đã đóng góp trực tiếp nhiều vào quá trình chuyển đổi này ở khu vực đô thị cũng như ở Việt Nam. 

Trong giai đoạn 2000 - 2022, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở khu vực nông thôn tăng từ gần 1,8 triệu đồng lên hơn 3,8 triệu đồng/người/tháng. So với khu vực đô thị, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn luôn thấp hơn đáng kể.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn là quá trình phức tạp và đa dạng, liên quan đến các yếu tố truyền thống cũng như các yếu tố hiện đại, vừa mang tính quy luật tất yếu vừa thể hiện những đặc thù riêng.

Việc nghiên cứu, nắm bắt thực trạng, xu hướng biến đổi và những yếu tố liên quan đến các vấn đề về cơ cấu xã hội nông thôn ở Việt Nam không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Khảo sát về sự hài lòng của người dân nông thôn: Nông dân đang hài lòng nhất về điều gì? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh (bên trái), Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi", Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đã có những biến đổi sâu sắc.

Phát triển và hiện đại hóa nông thôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng, thể hiện rõ nhất qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay.

"Kết quả của Hội thảo không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay; góp phần triển khai thực hiện quá trình thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam qua các khía cạnh cơ bản như: dân số, lao động việc làm, đất đai, đời sống kinh tế, thu nhập, văn hóa, hôn nhân, gia đình, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự.... từ đó nhìn nhận, tổng kết, đánh giá về quá trình xây dựng phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, chỉ ra những khía cạnh tích cực, điểm còn hạn chế bất cập, các yếu tố tác động trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem