“Khát” bên công trình cấp nước

Thứ tư, ngày 18/08/2010 01:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2010, bệnh ngoài da chiếm trên 80%, đau mắt hột 60%, tiêu chảy 25%, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân dùng nước nhiễm bẩn lâu ngày.
Bình luận 0
img
Hàng chục năm qua, người dân Hải Thành sống nhờ nguồn nước ở giếng nước duy nhất này.

Từ năm 1994 đến nay, gần 680 hộ dân ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phải dùng nước sông nhiễm bẩn tuy mang tiếng được hưởng lợi đến 4 công trình nước sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Là một trong những xã có địa hình thấp trũng ở huyện Hải Lăng, nguồn nước ngầm tại xã Hải Thành bị nhiễm phèn, mặn nặng. Theo khảo sát, với cấu tạo địa chất của Hải Thành thì đào xuống càng sâu, nguồn nước càng bị nhiễm mặn, phèn nhiều hơn.

Bởi vậy, ngoài một cái giếng làng được đào từ thời Pháp thuộc có thể coi là ít bị nhiễm phèn, từ bao đời nay, phần lớn người dân trong vùng phải dùng nguồn nước bẩn từ sông Vĩnh Định để phục vụ cho sinh hoạt. Các loại bệnh tật do đó cũng phát sinh ngày một nhiều ở Hải Thành.

Trước tình trạng khan hiếm nước sạch, năm 1994, một dự án nước sạch quy mô lớn được xây dựng trên địa bàn xã Hải Thành với tổng vốn đầu tư 100 triệu đồng. Nhưng khi đi vào hoạt động được một thời gian ngắn thì nảy sinh vấn đề. Bởi kiểu cấu tạo hệ thống nước sạch này chỉ thích hợp với địa hình miền núi, còn với một xã vùng trũng, thường xuyên đối mặt với nạn ngập lụt lại không mấy khả thi.

Năm 2008, với hơn 200 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ, Công ty Nước sạch Quảng Trị đã tiến hành xây dựng mới hai công trình nước sạch ở thôn Trung Đơn (Hải Thành). Nhưng đưa vào sử dụng chưa được hai tuần, người dân Trung Đơn lại thất vọng bởi hệ thống phao đẩy của bể nước bị hỏng, không thể bơm nước được.

Mới đây nhất, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đầu tư xây dựng công trình nước sạch Tịnh Thuỷ ngay đầu thôn. Ngoài nguồn vốn tài trợ gần 100 triệu đồng xây dựng hệ thống máy bơm, bồn chứa và bể lọc, 100 hộ dân thôn Trung Đơn còn đóng góp thêm 25 triệu đồng, chưa kể tiền tự bỏ ra mua đường ống dẫn nước từ ống chính về nhà mình. Tuy nhiên, chỉ hoạt động chưa đầy tháng, hệ thống này lại... hỏng (!).

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thế Mỹ - Trưởng thôn Trung Đơn nói: “Chúng tôi đã nhiều lần thuê thợ sửa chữa lại các công trình nước sinh hoạt đó. Nhưng sửa xong, hoạt động được dăm ba bữa rồi lại hỏng như cũ. Bây giờ, bà con chỉ còn mong chờ dự án cấp nước huyện Hải Lăng có thể hỗ trợ giúp dẫn nước sạch về tận làng may ra không còn tình cảnh dùng nước sạch được năm bữa nửa tháng lại... “nhịn” hàng năm như thế này”.

Lãnh đạo Trạm y tế xã Hải Thành cho hay, mấy năm trở lại đây, số lượt người mắc các bệnh về đường ruột, thận, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa và đau mắt hột... ở đây ngày một tăng cao, đáng báo động.

Hàng ngày, để có nước sinh hoạt, các hộ dân nơi đây vẫn phải đi chở từng can nước ở cái giếng duy nhất không bị nhiễm phèn đầu thôn hoặc tận dụng nguồn nước phèn ở ao hồ, dùng dụng cụ thô sơ lọc qua rồi sử dụng.

11 tỉnh tham gia Dự án Cấp nước và nước thải đô thị giai đoạn I

Trung tâm Quốc gia NS&VSMTNT cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục các tỉnh tham gia giai đoạn I của Dự án Cấp nước và nước thải đô thị, gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Bình, Lâm Đồng, Quảng Trị, Đăk Lăk, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang và Quảng Ninh. Giai đoạn I của Dự án Cấp nước và nước thải đô thị có tổng kinh phí 200 triệu USD, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem