Khát nước sạch giữa mùa lũ

Thứ ba, ngày 22/10/2013 06:46 AM (GMT+7)
Những ngày này, lũ lại tiếp tục dâng cao tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Và hàng ngàn hộ dân ở vùng “rốn” nước Đồng Tháp Mười lại bắt đầu sống trong cảnh khát nước sạch giữa mênh mông lũ...
Bình luận 0
Dùng luôn nước… quanh nhà

Đây là một thực tế buồn mà năm nào cũng diễn ra trong khoảng 3 tháng mùa nước nổi, khiến người dân vùng lũ vô cùng lo lắng bởi dịch bệnh truyền nhiễm và nhiều rủi ro khác sẽ gặp phải khi sử dụng nước sinh hoạt trực tiếp từ sông rạch quanh nhà. Theo ông Nguyễn Hữu Dân ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (Long An):

“Từ hơn 1 tháng nay, nhà tôi đã hết nước dự trữ và thường phải múc nước ở dòng kênh Mồi Gọ này để sử dụng trong sinh hoạt như nấu ăn, tắm rửa... Nhìn hôm nào nước trong trong là múc lên bỏ vào chum, vẩy thêm ít phèn nữa, chờ lắng xuống rồi nấu ăn và sinh hoạt chứ làm gì có nước sạch. Nhìn cũng thấy mất vệ sinh nhưng không có cách gì khác, vì hệ thống đường ống nước sạch chỉ chạy tới ven bờ sông Vàm Cỏ Tây mà thôi. Ở đây xa cách nên có đi mua cũng khó khăn lắm”.

Người dân vùng nước nổi khao khát được dùng nước sạch.
Người dân vùng nước nổi khao khát được dùng nước sạch.

Không chỉ riêng gia đình ông Dân mà rất nhiều hộ gia đình khác ở trong xã Bình Phong Thạnh cũng dùng cách tương tự để có nước sinh hoạt, mặc dù họ đều biết rằng như thế là ô nhiễm, mất vệ sinh và không an toàn. Ai cũng biết, mùa lũ, khắp vùng Đồng Tháp Mười rộng hàng trăm cây số vuông này đều ngập mênh mông cả.

Những chất thải của những hộ chăn nuôi, những vườn cây và của chính con người, đều xả thẳng ra kênh. Sau đó bản thân họ lại phải dùng chính dòng nước này vì không còn cách nào khác. Theo ông Bùi Văn Thẩm - cán bộ xã Bình Phong Thạnh thì người dân trong xã thường tích nước mưa trong các lu, chum, vại của gia đình.

Nước mưa tuy không phải là nước được lọc qua máy móc quy trình nhưng khá sạch và được dùng từ xưa đến nay. Nước mưa cũng chính là nước sạch… đạt tiêu chuẩn của bà con nơi đây. Tuy nhiên, một điều trái với quy luật là mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long không đồng nghĩa với… mưa, bởi nhiều khi trời không mưa nước lũ vẫn tràn về ngập đồng do nước từ thượng nguồn dòng Mekong tràn về.

Thế là, dù nước ngập xung quanh nhà nhưng nhiều hộ dân vẫn không có nước mưa tích trữ trong lu hoặc có thì chỉ đủ dùng trong một thời gian ngắn, trong khi mùa lũ kéo dài có khi cả 3 tháng.

Kiếm nước sạch thật khó

Khi được hỏi về việc có cách nào đưa nước sạch đến với bà con nông dân vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười này không, ông Thẩm bảo rất khó khăn vì chi phí vận chuyển đi lại cao. Thêm nữa, các hộ dân mùa lũ lại sinh sống rải rác bên ngoài bờ đê khiến việc tiếp cận lại càng khó khăn chứ đừng nói tới việc mang nước sạch đến.

Những chất thải của những hộ chăn nuôi, những vườn cây và của chính con người, đều xả thẳng ra kênh. Sau đó bản thân họ lại phải dùng chính dòng nước này vì không còn cách nào khác.

Vậy nên, suốt thời gian dài vừa qua, trong hơn 1.000 hộ dân ở Bình Phong Thạnh thì chỉ có chưa đầy 10% là có nước sạch dùng, còn lại thì “tùy cơ ứng biến”. Nhìn dòng kênh mùa lũ nước đỏ ngầu phù sa kèm theo rác thải, chất thải nổi lềnh bềnh mà chúng tôi không khỏi ghê người khi nghĩ tới đó lại là nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng lũ.

Ở các xã bên cạnh như Thạnh Trị, Bình Thạnh… những xã ở sâu trong vùng Đồng Tháp Mười giáp biên giới Campuchia cũng tình cảnh tương tự vì nguồn nước sạch chỉ trông chờ vào nước mưa mà thôi. Bà Lâm Thị Vu ở xã Bình Thạnh cho biết: “Nhà tôi có 4 cái lu, tích được nước dùng trong khoảng 10 hôm. Nhưng sau đó không còn lấy nước ở đâu để tích nữa. Muốn mua, phải chạy ghe khoảng gần 10 cây số mới có. Mà một ghe chở cũng chẳng đầy 1 lu. Thôi thì dùng tạm nước ở kênh này ít ngày, hết lũ rồi tính tiếp”.

Với đặc thù là vùng trũng, nước ngấm phèn mặn quanh năm nên hầu như các nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng Đồng Tháp Mười chủ yếu là lấy từ nơi khác chứ không thể làm giếng khoan như các địa phương khác được. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân vẫn khát nước sạch triền miên, nhất là mùa mưa lũ…

Đại Dương (Đại Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem