Trước đó, Tây Ninh là 1 trong các tỉnh thành được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSAR) đề xuất tham gia dự án.
Đầu tư chuỗi nông nghiệp
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân khiến chuỗi giá trị hiện còn hạn chế là do vốn đầu tư cho nông nghiệp, chủ yếu từ nông dân và ngân sách luôn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư toàn xã hội. Đầu tư cho ngành rau quả, cây ăn trái càng nhỏ hơn.
Chợ nông sản Tây Ninh sẽ được xây mới theo hình thức công tư với tổng vốn 100 tỷ đồng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tỉnh Tây Ninh cho rằng, địa phương này rất cần thêm các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, gắn thị trường với sản xuất, liên kết giữa nhà kinh doanh với nhà sản xuất và nhất là phát triển các chuỗi giá trị rau và cây ăn trái.
Theo đó, đề xuất xây dựng chợ đầu mối nông sản là một phần trong dự án Đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau quả và cây ăn trái tỉnh Tây Ninh. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mới chợ đầu mối nông sản, làm nơi trung chuyển, phân loại, đóng gói, kiểm soát chất lượng rau quả, cây ăn trái phân phối cho các thị trường.
Chợ dự kiến được xây dựng trên diện tích 3 ha; tại cầu K13, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); gồm các hạng mục kho lạnh bảo quản, đóng gói sơ chế, phòng Lab để kiểm soát chất lượng đầu ra. Chợ được xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) với tổng vốn 100 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp 30 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương và vay ADB là 70 tỷ đồng.
Trước đó, Chợ Cầu K13 hình thành do nhu cầu tự phát của tiểu thương, nằm ở ven đường 781 và cặp bờ kênh Tây tại cầu K13 thuộc xã Bàu Năng. Hiện tại, với khối lượng giao dịch từ 30 – 40 tấn ray mỗi ngày, đây được xem là chợ đầu mối nông sản chuyên về rau ăn quả lớn nhất ở Tây Ninh.
Chợ Cầu K13 được xem là chợ đầu mối nông sản chuyên về rau ăn quả lớn nhất ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, trong đề án tái cơ cấu, Tây Ninh xác định rau ăn quả và trái cây là những mặt hàng chủ lực trong chuỗi nông sản. Dự án xây dựng một chợ đầu mối nông sản chính quy là để tăng cường chuỗi cung ứng và giảm bớt khâu trung gian.
Phải có kinh tế tư nhân tham gia
Dự án thứ 2 được đề xuất đầu tư là trạm bơm Dầu Tiếng 1 và 2 nhằm tưới, tiêu nước cho hơn 8.960 ha để phát triển và chuyển đổi vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Tân Châu, Tân Biên. Dự án này được đề xuất tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách địa phương và vay ADB gần 850 tỷ đồng.
Dự án thứ 3 là xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật thiết bị vật tư nông nghiệp tỉnh để phục vụ cho nhu cầu các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyên ngành rau và cây ăn trái cho Tây Ninh và khu vực. Dự án này có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách địa phương và vay ADB 140 tỷ đồng; còn lại là vốn doanh nghiệp.
Chợ đầu mối nông sản sẽ làm nơi trung chuyển, phân loại, đóng gói, kiểm soát chất lượng rau quả, cây ăn trái phân phối cho các thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tổng cộng, vốn đầu tư của 3 dự án trên gần 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp đóng góp hơn 939,7 tỷ đồng; vốn vay gần 1.060 tỷ đồng. Ông Trong cho biết Sở NNPTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến thống nhất với 3 dự án trên trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Hôm nay (ngày 4.12), lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh sẽ có buổi làm việc với IPSAR và Đoàn Công tác dự án Hỗ trợ kỹ thuật do ADB tài trợ. Theo Đoàn công tác, mục tiêu Dự án là tăng cường thương mại hóa và tính vững bền của các chuỗi giá trị nông nghiệp, nhằm gia tăng thu nhập và giảm nghèo tại vùng dự án.
Theo đề nghị trước đó của Đoàn công tác, dự án phải có sự tham gia của khu vực tư nhân, dưới hình thức hợp tác công tư PPP và có khả năng tạo nguồn thu trả nợ. Đặc biệt, mục tiêu chủ yếu của dự án để nâng cao năng lực cho ngành hàng rau và cây ăn trái nên các hạng mục đầu tư cần phải được phân tích, đánh giá kỹ khi chọn lựa.
Tỉnh Tây Ninh cần thành lập Ban điều phối, nhất là cho rau và cây ăn trái để đối thoại thông tin thường xuyên trong quá trình triển khai dự án vốn vay. Ảnh: Nguyên Vỹ
Động thái này nhằm phục vụ tốt cho chuỗi giá trị và gắn chặt với cam kết tham gia của khu vực tư nhân; và được thảo luận thống nhất với nhà tài trợ ADB; được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận. Ngoài ra, tỉnh phải dự kiến cơ cấu vốn, cơ chế tài chính; tiến độ thực hiện và giải ngân cũng như phương án cân đối trả nợ vay và đánh giá sơ bộ tác động đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh.
Đoàn công tác cũng đề nghị tỉnh xem xét thành lập Diễn đàn đối thoại công tư PPCG Tây Ninh. Tỉnh cần thành lập Ban điều phối, nhất là cho rau và cây ăn quả để trao đổi và đối thoại thông tin thường xuyên giữa các bên liên quan trong quá trình thiết kế và triển khai Dự án Hỗ trợ kỹ thuật và Dự án vốn vay.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, kế hoạch làm việc của dự án trong thời gian tới, dự kiến, giữa tháng 12.2018 sẽ chốt danh sách các nội dung đề xuất đầu tư.
Từ giữa cho đến cuối tháng 1.2019, sẽ diễn ra hội thảo đề xuất dự án chung của các tỉnh được IPSAR đề xuất tham gia dự án hỗ trợ do ngân hàng ADB triển khai.
Đến giữa tháng 2.2019, nội dung đề xuất dự án sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.