Khát vọng trở về với mẹ của một nghịch tử giết cha

Chủ nhật, ngày 29/11/2015 11:17 AM (GMT+7)
Trong trại giam, nghịch tử giết cha Phan Minh Mẫn (SN 1990) ngoài việc trả án cho tội lỗi của mình gây ra, thì vẫn phải sống trong sự cắn rứt, dằn vặt của lương tâm.
Bình luận 0

Nếu lật lại hồ sơ, có lẽ ít vụ trọng án giết người nào mà bi kịch của nó để lại nhiều nỗi đau đến vậy, hung thủ là con, nạn nhân là cha. Khi không chịu được tình cảnh cha mình mỗi lần bị “ma men đưa đường chỉ lối” lại quay ra đánh đập mẹ, em gái và chính mình một cách thậm tệ, Phan Minh Mẫn đã dùng dây điện chích vào người khiến cha ruột mình tử vong. Trong trại giam, Phan Minh Mẫn ngoài việc trả án cho tội lỗi của mình gây ra, thì vẫn phải sống trong sự cắn rứt, dằn vặt của lương tâm. Dẫu ngày về còn xa nhưng khát vọng hoàn lương luôn khắc khoải trong lòng phạm nhân này.

img

Phan Minh Mẫn.

Tuổi thơ không bình yên

Gặp phạm nhân Phan Minh Mẫn trong Trại giam Thủ Đức, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an đóng tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vài năm trước; trong suốt cuộc trò chuyện, hai bàn tay của phạm nhân này cứ vân vê vạt áo và không dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào người đối diện. Nước mắt ngắn dài, nghịch tử giết cha này tâm sự: “Ký ức tuổi thơ của em chỉ là những lần say xỉn cùng những trận đòn roi của cha. Cha em chỉ biết tối ngày nhậu nhẹt triền miên, trở về nhà thì đánh đập mẹ con em như kẻ thù. Cơ cực đến mức trong nhà chỉ còn vài nghìn đồng, cha em cũng lấy đem đi mua rượu…”.

Mẫn là con trai lớn của anh Phan Thế Tuyên và chị Nguyễn Thị Kim Ánh, dưới Mẫn còn có một cô em gái. Nơi anh em Mẫn được sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ là ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nơi ấy hơn mười năm trước chủ yếu vẫn là vùng đất lau sậy mọc rậm rạp nên cuộc sống của gia đình Mẫn cũng rất vất vả. Từ nhỏ, hai anh em Mẫn đã phải chứng kiến bi kịch của gia đình, cha không nghề nghiệp, lại nghiện rượu nên mọi gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền đè nặng lên vai của mẹ. Nếu chỉ đơn thuần là sự khó khăn thì có lẽ bi kịch chưa ập xuống, đằng này sau mỗi lần say rượu về là mẹ con Mẫn phải chịu những cơn mưa đòn roi thừa sống thiếu chết của cha.

“Ngày xưa còn nhỏ, em và em gái cứ mỗi lần nghe tiếng cha về là lại cắm đầu bỏ chạy vì sợ ăn đòn. Chuyện cha chốt cửa không cho 3 mẹ con vào nhà, khiến mẹ con em phải ngủ ngoài sân không phải là chuyện hiếm. Có lần phải ngủ ngoài sân khi trời mưa, đứa em của em đã bị viêm phổi mất gần một tháng. Để có tiền trả nợ cho các quán nhậu, cha thường xuyên về dọa mẹ, lục túi lấy tiền của mẹ mang đi. Những lúc đó anh em em chỉ đợi cha ra ngoài là chạy sang an ủi mẹ…”.

Vốn là người phụ nữ chịu chồng thương con, chị Ánh luôn sống trong cảnh cam chịu để hàng xóm không khinh chồng là kẻ vũ phu, để cho các con được vui vẻ, đủ no đủ ấm hằng ngày.

Bi kịch gia đình

“Em nhớ mãi khi đó đang học lớp 6, một lần đang nằm trong nhà thi nghe thấy tiếng cha về nên vội cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng vì lúc sáng em mới bị cha đánh. Do trời tối em đâm sầm vào bụi lau sậy ở vườn nhà hàng xóm, cha chạy theo và quát “Có phải thằng Mẫn đó không?”, do sợ cha quá nên em không dám trả lời, cứ nằm ở đó mãi đến nửa đêm mới dám về nhà. Em chỉ thương mẹ vì em biết, những lúc như thế là mẹ lại thức trắng đêm đợi em về” - Mẫn kể lại - “Cũng vì thương mẹ nên ngay từ nhỏ em luôn ao ước sẽ học thật giỏi để lớn lên làm ra nhiều tiền để mẹ bớt khổ”.

Và quả thật, thương người mẹ tảo tần, chắt chiu từng đồng cho con cái ăn học, Mẫn đã không phụ lòng mẹ khi thi đỗ vào một trường cao đẳng kinh tế. Nhưng cuộc sống ngập tràn những hình ảnh tàn nhẫn, ánh mắt đáng sợ và những trận đòn roi thập tử nhất sinh của cha đã khơi nguồn cho một bi kịch lớn nhất của cuộc đời Mẫn.

Khi ấy Mẫn đang là sinh viên năm thứ hai, sau khi tan học trở về nhà như thường lệ thì thấy cha say rượu nằm ngủ dưới đất. Sự uất ức dồn nén bấy lâu khi nhớ lại những trận đòn của cha dành cho mình, thêm chuyện trước đó hai ngày cha đã đánh mẹ một cách thậm tệ nên trong đầu Mẫn bộc phát một suy nghĩ: “Làm thế nào để thủ tiêu cha?”.

Nghĩ là làm, Mẫn đến một tiệm tạp hóa gần nhà mua 4m dây điện có gắn phích cắm với giá 22.000 đồng. Về nhà, Mẫn cắm điện, dùng đầu dây hở chích vào giữa nách, bụng và ngực của cha khoảng 5 phút thì nạn nhân tử vong.

Sau khi gây án, Mẫn kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe và hỏi: “Dây điện giờ làm sao đây?”. Sau phút bàng hoàng nhưng vì thương con nên mẹ Mẫn vẫn khuyên con trai mang dây điện đi vứt.

Phan Minh Mẫn bị bắt giữ ngay sau đó. Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM có cáo trạng truy tố Phan Minh Mẫn về tội Giết người. Không lâu sau đó, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt Phan Minh Mẫn mức án tử hình về tội danh này.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội vì tội ác dã man mà bị cáo đã gây ra. Chỉ vì cha sau khi uống rượu thường có thái độ cư xử không đúng mực nên bị cáo Phan Minh Mẫn thay vì phải khuyên răn cha mình thì lại bất chấp pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý để sát hại cha, đó là tội ác không thể dung thứ. Sau phiên tòa, Phan Minh Mẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định hành vi sát hại cha ruột của Phan Minh Mẫn là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm đạo đức bị xã hội.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm vẫn chưa xem xét thấu đáo đến hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo Phan Minh Mẫn mà tuyên phạt mức án tử hình là có phần nghiêm khắc. Hành vi phạm tội của Phan Minh Mẫn một phần cũng do nguyên nhân tình trạng bạo hành gia đình trong một thời gian dài. Từ nhỏ bị cáo đã nhiều lần chứng kiến cảnh cha uống rượu say là chửi mắng, đánh đập mẹ, em gái và chính bị cáo nên đã bị dồn nén, bức xúc dẫn đến hành vi giết người. Vì các lẽ trên, Tòa phúc thẩm cho rằng cần áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, biết ăn năn hối cải, gia đình nạn nhân, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương có đơn xin giảm án... nên đã quyết định giảm án cho Phan Minh Mẫn từ tử hình xuống tù chung thân.

Khát vọng hoàn lương

“Khi tòa tuyên án, em chỉ kịp nhìn thấy tay mẹ chới với theo em khi em bị đưa về trại giam. Những lúc trong Trại giam Chí Hòa chờ ngày ra pháp trường em mới thấy khao khát được sống. Trong buồng giam tử tù, cứ mỗi lần tiếng cửa ken két mở ra là mỗi lần trái tim em muốn nhảy ra ngoài vì nghĩ là tới lượt mình.

Khi con người ta sắp chết là lúc con người thiện và thật nhất. Thời gian ở buồng giam tử tù, em đã được nghe tâm sự của nhiều phạm nhân khác về những vấp ngã trong cuộc đời của họ và trong đó có cả những kỷ niệm vui nữa. Lúc đó em đọc được trong mắt họ niềm nuối tiếc và khao khát được sống đến cháy bỏng tâm can.

Khi em được giảm án, niềm vui đó khiến em reo lên vì sung sướng khi về đến buồng giam. Các tử tù có mặt lúc đó đều chúc mừng cho em nhưng em nhìn thấy trong mắt họ sự đượm buồn vì đã không được may mắn như vậy. Thời điểm đó, có một phạm nhân mới chuyển xuống cho biết là những người ở cùng buồng với em hôm trước đều đã bị thi hành án cả rồi” - Mẫn kể lại.

“Tuy thoát khỏi án tử hình nhưng em biết tương lai của mình cũng đã khép lại, thay vào đó là chuỗi ngày tháng dài dằng dặc trong trại giam để em sám hối cho tội ác mà cả xã hội khinh ghét. Nghĩ lại những hành vi tội lỗi không thể biện minh và tha thứ được của mình, em biết thật dại dột vì cuối cùng mẹ em vẫn là người khổ đau nhất. Cha không còn, mẹ còn mang tiếng với người đời vì có đứa con bất hiếu, là nghịch tử giết cha.

Nếu được làm lại, em sẽ đi khỏi nhà và tự kiếm sống; khi nào cuộc sống của em có thể san sẻ được gánh nặng với mẹ thì em sẽ quay về, nhưng chẳng một ai có thể quay ngược được thời gian và tội lỗi mình gây ra em sẽ mang theo nó cả đời mà chẳng thể gột rửa được. Với bản án chung thân, ngày về còn quá mờ mịt, nhưng được sống với em đã là một ân huệ quá lớn, em sẽ tu tâm dưỡng tính, tập trung lao động cải tạo thật tốt để bản thân mình cảm thấy thanh thản phần nào”, Mẫn nói.

Bản án chung thân với nhiều người là bi kịch số phận, nhưng với Phan Minh Mẫn và gia đình như vậy còn tốt hơn nhiều so với việc bị thi hành án tử hình.

Trong suy nghĩ của nhiều người, giá như Phan Minh Mẫn đừng nông nổi, giá như người cha làm đúng phận sự của mình thì đã không có câu chuyện buồn này. Nhưng đó là câu chuyện của ước gì, giá như… mà mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.

Ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Phan Minh Mẫn mới thấy thương mẹ và em gái hơn bao giờ hết. Trong mắt của Phan Minh Mẫn thì mẹ em là một người phụ nữ rất đẹp nhưng bởi cuộc sống vất vả nên khi ở độ tuổi 40, mẹ em đã bị rất nhiều căn bệnh hành hạ như gai cột sống, đau thần kinh tọa... Em lúc nào cũng nghĩ về mẹ, chỉ mơ ước sớm được về để chăm sóc, đỡ đần cho mẹ.

Mẫn tâm sự: “Mỗi ngày, em đều không dám nghĩ nhiều đến thời gian vì nghĩ nhiều tư tưởng sẽ nặng nề khó cải tạo và nếu em lại sai lầm thêm một lần nữa thì ngày về của em với mẹ càng xa hơn!”.

Uyên Minh (ANTĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem