Khẩu trang, đồ bảo hộ giúp doanh nghiệp dệt may vượt lợi nhuận năm 2020 sau 9 tháng

Nam Anh Thứ sáu, ngày 16/10/2020 18:55 PM (GMT+7)
Nhờ tăng cường xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ đi Mỹ và đơn hàng truyền thống phục hồi trở lại sau dịch Covid-19, Dệt may Thành Công sớm hoành thành chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2020 chỉ sau 9 tháng.
Bình luận 0

Dệt may là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi nhiều đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp lớn bị hủy, hoãn hoặc thay đổi. Doanh thu của ngành may cũng sụt giảm từ 20%-25% trong hai quý đầu năm 2020.

img

Doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của TCM trong tháng 9/2020 vẫn tăng so với cùng kỳ

Tuy nhiên, theo thông tin được Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố trong tháng 9/2020, doanh thu của công ty mẹ đạt 12.733.571 USD (293 tỷ đồng), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.125.608 USD (26 tỷ đồng), tăng 74%.

Sau 4 tháng đầu năm kết quả kinh doanh giảm mạnh do chịu tác động kép từ dịch Covid-19, kể từ tháng 5 TCM liên tục xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế sang Mỹ. Đồng thời, tình hình đơn hàng truyền thống quý III cải thiện so với quý trước giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng. Tính riêng quý III, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 950 tỷ đồng, lãi sau thuế 78 tỷ đồng; lần lượt giảm 5% và tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, TCM ghi nhận doanh thu đạt 114.591.889 USD (2.647 tỷ đồng), giảm 2% và thực hiện được 71% kế hoạch năm. Dù doanh thu giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh khi đạt 8.176.695 USD (188 tỷ đồng), đạt 102% kế hoạch năm 2020 và 109% so với cùng kỳ năm 2019.

Lãnh đạo TCM chia sẻ trong quý 4, công ty đã nhận được 80% đơn hàng truyền thống. Đồng thời, sau khi EVFTA có hiệu lực thì nhu cầu vải trong nước đã tăng lên, công ty kỳ vọng tình hình đơn hàng sẽ tăng mạnh trong quý 4 và đầu năm sau.

Việc TCM vượt chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2020 chỉ sau 9 tháng trở thành một trong những điểm sáng của ngành dệt may Việt Nam. Bởi theo các số liệu được GlobalData công bố mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng dệt may. Cụ thể, năm 2019 thị trường ngành may mặc toàn cầu đạt trị giá 1.955 tỷ USD, tuy nhiên trong 7 tháng đầu của năm 2020 thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm lên đến 395,6 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ giảm 56%, Châu Âu giảm 22,4%, Châu Á giảm từ 25% đến 40% và Trung Đông giảm từ 50% đến 65%. Nếu xu hướng hiện tại này tiếp tục diễn ra, thị trường thế giới sẽ giảm khoảng 25-32% trong giai đoạn 2020-2021.

Những quốc gia công nghiệp xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia và Việt Nam đang chịu tổn thương lớn nhất, khi phải hứng chịu “cuộc khủng hoảng kép” do sự không ổn định nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc,… dẫn đến xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn và suy giảm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem