Khi dân thủ đô bị "khủng bố"... "rác" băng rôn

Thứ bảy, ngày 19/11/2011 06:39 AM (GMT+7)
Hà Nội cũng đối mặt với việc băng rôn ca nhạc "bành trướng" ra khắp phố lớn, chui vào mọi hang cùng ngõ hẻm, chợ búa, bến tàu xe… từ ngã tư đường phố tới cột điện, gốc cây…
Bình luận 0

Sự kiện đêm nhạc của ca sĩ hải ngoại Chế Linh có tên gọi "Chế Linh- 30 năm tái ngộ" bị Sở VHTT&DL Hà Nội dừng cấp phép biểu diễn vào đêm ngày 12.11, sau đó lại được cấp phép biểu diễn bởi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) tại chính địa điểm Sở VHTT&DL Hà Nội rút phép gây ồn ào dư luận với rất nhiều cảm xúc trái chiều.

Một trong những lý do quan trọng mà Sở VHTT&DL Hà Nội quyết định dừng cấp phép cho chương trình nhạc này là bởi đơn vị tổ chức đã ngang nhiên giăng băng rôn khắp nơi, kể cả những vị trí nhạy cảm…

img
Băng rôn quảng cáo len lỏi khắp các ngả đường

Giám đốc Sở VHTT & DL bị "khủng bố" tin nhắn vì "rác" băng rôn

Đồng thời với sự phát triển của đời sống âm nhạc trong thời gian trở lại đây, Hà Nội cũng đối mặt với việc băng rôn ca nhạc "bành trướng" ra khắp phố lớn, chui vào mọi hang cùng ngõ hẻm, chợ búa, bến tàu xe… từ ngã tư đường phố tới cột điện, gốc cây…

Có thời điểm, nhiều banner quảng cáo ca nhạc khổ lớn chình ình ngay giữa phố lớn, trùng trùng điệp điệp. Ở nhiều vị trí đẹp, các đơn vị tổ chức còn treo băng rôn chồng chéo lên nhau, mỗi loại một kiểu, mỗi thứ một màu sắc…

Về mặt quảng cáo, rõ ràng nhà tổ chức đã làm chiến dịch rất tốt, tên chương trình nhiều khi thành nỗi ám ảnh với người đi đường. Thậm chí, những băng rôn, banner quảng cáo này còn "đè bẹp" cả các băng rôn, phướn về các sự kiện chính trị - xã hội…

Việc Sở VHTT & DL Hà Nội rút giấy phép biểu diễn của chương trình ca nhạc Chế Linh, trong đó có lý do treo băng rôn bừa bãi giống như lời cảnh cáo với đơn vị tổ chức đã ngang nhiên phớt lờ quy định về treo băng rôn của Sở và Thành phố. Vừa treo sai quy định, các băng rôn này còn quảng cáo sai so với giấy xin phép biểu diễn, từ tên chương trình tới nhiều nội dung khác.

Không chỉ có băng rôn các chương trình ca nhạc dạng tạp kỹ, hải ngoại, mà nhiều băng rôn chương trình với những tên tuổi khá nổi tiếng, được tổ chức tại địa điểm sang trọng như Nhà hát lớn cũng gây chướng mắt khó chịu.

Ví dụ như những phướn quảng cáo đêm nhạc "Ôi quê tôi" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn tại Nhà hát lớn được treo lủng lẳng ở các cành cây, mỗi cái phướn chỉ bé bằng cái bảng tuyển lao động phổ thông, không hình ảnh, rặt chữ là chữ và treo chi chít khắp thành phố. Ông Phạm Quang Long- giám đốc Sở VHTT & DL đã phải công nhận rằng, đó cũng là một loại băng rôn, phướn quảng cáo chương trình phản cảm.

Ông Long cho biết, mới đây ông bị nhận một tin nhắn kiểu “khủng bố” từ người dân khi họ quá bức xúc vì nạn băng rôn, phướn quảng cáo chăng, treo đầy thành phố. Tin nhắn “khuyên” ông nên từ chức vì đã để tình trạng này hoành hành.

Thực tế, lâu nay Sở VHTT& DL Hà Nội không hề cấp phép treo băng rôn khắp chốn như thế và cũng đã liên tục phải xử lý hành chính, nhưng có lẽ vẫn không xuể so với tài luồn lách và bất chấp quy định của các đơn vị tổ chức.

Ông Long đã từng đi xe máy vòng quanh thành phố để chụp những băng rôn treo sai quy định mà chỉ đi một vòng, số hình ảnh chụp được đầy chật cả chiếc máy ảnh.

Quy chế quá lỗi thời khiến Sở bất lực?

Thanh tra Sở VHTT&DL đưa ra một ví dụ điển hình là việc quảng cáo chương trình Chế Linh của công ty Bích Ngọc thời gian vừa qua. Ngày 19.10.2011 thanh tra Sở phát hiện công ty Bích Ngọc treo băng rôn quảng cáo không đúng nơi quy định và treo quá nhiều vượt ngoài con số được cho phép.

Thanh tra đã lập biên bản hành chính và ra quyết định xử phạt 11 triệu 500 ngàn đồng, yêu cầu tự tháo gỡ. Nhưng, buổi sáng thanh tra đi gỡ băng rôn vi phạm thì chỉ 2 tiếng sau quay lại địa điểm đó băng rôn đã được treo lại. Thanh tra lúc nào cũng ở tình thế sẵn sàng chiến đấu, thấy vi phạm là cắt băng rôn, nhưng có thể sáng cắt, chiều còn, tối không còn, mai lại còn… 

img
Băng rôn quảng cáo không chỉ tràn phố lớn mà còn chen vào các ngõ chợ

Ông Phạm Quang Long kể, ông đã phải mời công ty Sao Đêm (đơn vị tổ chức chương trình Trở về chốn xưa tại Giảng Võ ngày 15.11) lên Sở để cảnh cáo và yêu cầu nộp phạt vì treo băng rôn sai quy định.

Họ đã hứa đi hứa lại là sẽ không vi phạm, đã cắt hết rồi, nhưng ngày hôm sau ông Long đi kiểm tra vẫn thấy tràn ngập băng rôn, ông đã phải lập tức nhắn tin về Sở yêu cầu soạn sẵn văn bản, có thể sẽ thu hồi giấy phép biểu diễn của công ty này nếu không chỉnh đốn ngay…

Việc các công ty cố tình treo băng rôn sai quy định là một thách thức lớn với đơn vị có trách nhiệm như Sở VHTT&DL Hà Nội. Sở quyết tâm rút giấy phép biểu diễn của chương trình ca nhạc Chế Linh với mục đích làm gương cho các công ty khác phải chấp hành cho thật tốt các quy định về quảng cáo. Tuy nhiên, sau đó Cục NTBD lại cấp phép biểu diễn, việc "răn đe" của Sở xem ra đã không thành công và có thể sau này sẽ khó làm các đơn vị tổ chức biểu diễn… sợ.

Theo quy định từ 6 năm nay là mỗi một chương trình biểu diễn chỉ được cấp phép treo 15 băng rôn ở đúng nơi quy định. So với sự vận động của thời cuộc thì con số này quá ít và sẽ không hiệu quả để quảng cáo cho chương trình. Quy định vừa cũ, chế tài phạt cũng lại quá nhẹ nhàng, nếu đơn vị treo sai quy định thì thanh tra chỉ được phạt 1 lần duy nhất và tối đa là 11 triệu 500 ngàn đồng, số tiền đó chỉ bằng vài tấm vé ca nhạc.

Do vậy, thanh tra dỡ và phạt, công ty tổ chức biểu diễn chịu phạt rồi lại treo lên, chẳng ai làm gì được. Điều đó giải thích vì sao các băng rôn cứ treo ngang nhiên và “to vật vã” ở khắp các tuyến đường trong một thời gian dài.

Xong chương trình, họ cũng chỉ dỡ những quảng cáo ở nơi quy định, còn nơi nào treo chui thì mặc kệ. Thế nên có những chương trình diễn ra vài tháng rồi mà băng rôn vẫn còn. Nhiệm vụ dọn dẹp hậu quả thuộc về… Sở.

Nhận thấy những bất cập của quy định này, Sở VHTT & DL Hà Nội đã có ý giúp các đơn vị tổ chức bằng cách sẵn sàng ra một quy định tạm thời cho treo 50-100 băng rôn/ 1 chương trình trước khi trình lên Thành phố đề án Tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế- văn hóa- xã hội mà Sở đang hoàn thiện, trong đó có vấn đề tăng cường điểm quảng cáo và số lượng băng rôn. Như thế có nghĩa là Sở sẵn sàng "mở lối" cho các đơn vị tổ chức với điều kiện là phải treo đúng số lượng, đúng nơi quy định, nhưng phía tổ chức chỉ hứa lên hứa xuống rồi tiếp tục làm sai.

Nếu tính về phí treo băng rôn là 50 ngàn đồng/1 chiếc, 100 cái cũng chỉ hết 5 triệu đồng, đơn vị tổ chức lại “thích” phạt vì họ muốn treo hàng ngàn cái và treo bất cứ chỗ nào họ thích, càng ở những nơi có vị trí "độc" càng tốt vì treo tập trung đúng điểm quy định dễ bị lẫn lộn và băng rôn muốn viết gì thì viết không chịu sự kiểm soát của Sở... Tiền phạt quá bèo, tội gì không vi phạm!?

Vấn đề cần làm ngay để dẹp "loạn băng rôn" ở đây chính là Sở phải nhanh chóng hoàn thành đề án, bổ sung quy định mới về treo băng rôn và thành phố Hà Nội cũng cần sớm có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc. Sở VHTT &DL đang chủ trương mời Cục NTBD, sở GTVT, công an thành phố và những đơn vị quản lý các tuyến đường họp bàn cùng phối hợp xử lý các vi phạm. Bởi nếu chỉ có một mình Sở VH TT & DL thì xem ra không đủ đối phó với cách làm bất chấp quy định của một số đơn vị tổ chức biểu diễn!

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem