Khi giảng viên là chủ doanh nghiệp, sinh viên nhận lương hàng tháng

Thứ năm, ngày 22/12/2022 15:40 PM (GMT+7)
Giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn làm chủ doanh nghiệp, còn sinh viên được thực tập, thực hành lại được nhận lương hằng tháng… Chính mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đang cho thấy những bước tiến mới trong đào tạo lý thuyết và thực hành.
Bình luận 0

Giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn làm chủ doanh nghiệp, còn sinh viên được thực tập, thực hành lại được nhận lương hằng tháng… Chính mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đang cho thấy những bước tiến mới trong đào tạo lý thuyết và thực hành.

Khi giảng viên là chủ doanh nghiệp, sinh viên nhận lương hàng tháng - Ảnh 1.

Sinh viên trải nghiệm thực tế tại Công ty TNHH Sản xuất Nước uống Đóng chai Đại học Cửu Long. Ảnh: ĐHCL

Vừa học vừa làm

Mỗi ngày, bên cạnh việc giảng dạy, TS Vương Bảo Thy - Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học Cửu Long còn dành thời gian để điều hành, quản lý Công ty TNHH Sản xuất nước uống đóng chai Đại học Cửu Long. Nữ TS cho biết rất thú vị và hữu ích khi “sắm hai vai” vừa là giảng viên, vừa là chủ doanh nghiệp.

“Cô trò cùng làm. Ngoài hỗ trợ cho trò thực hành thì thầy cô có những định hướng để phát triển thêm các sản phẩm. Kiêm luôn quản lý doanh nghiệp, mình cũng tự học tự làm, những mảng kinh doanh nào chưa sâu thì cập nhật thêm….  Tiên phong học được, dạy được, làm được thì các em mới nghe mình”, TS Thy chia sẻ.

Theo nữ giảng viên, chủ trương của trường là phát triển đào tạo theo định hướng ứng dụng nên đã thành lập một số công ty, xưởng sản xuất cho các em sinh viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành bám sát với thực tiễn của doanh nghiệp. Sinh viên được trực tiếp sản xuất, kiểm phẩm, kiểm nghiệm, thực hiện quy trình tuân thủ luật vệ sinh an toàn thực phẩm, ngưỡng nào đạt yêu cầu, chỗ nào cần khắc phục, biện pháp khắc phục như thế nào…. Trong sản xuất có khúc mắc thì cùng nhau giải quyết vấn đề.

Không chỉ áp dụng lý thuyết vào thực tế, sinh viên có thêm một phần thu nhập và sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

“Các sinh viên chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm, sinh viên nước ngoài và một số sinh viên ngành khác rất hào hứng khi tham gia sản xuất. Mỗi đội khoảng 15-20 em luân phiên để chia đều cơ hội làm việc và cũng để không ảnh hưởng đến việc học tập. Thu nhập của các em được tính theo giờ, bình quân khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các em sẽ hình dung ra cách thức vận hành doanh nghiệp. Nếu sau khi tốt nghiệp muốn khởi nghiệp, nhà trường có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ”, TS Vương Bảo Thy kể.

Công ty gắn với đào tạo 

Ngoài công ty về nước uống, PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho hay nhà trường đang phát triển các công ty khác gồm: Nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời với công suất gần 1MW; Công ty Island chuyên nghiên cứu nhân và bán giống cây trồng. Ngoài ra còn có trung tâm nghiên cứu thí nghiệm các lĩnh vực về thủy sản, trang trại dưa lưới, xưởng cơ khí…. Lãnh đạo nhà trường đánh giá cao hiệu quả của việc mở doanh nghiệp trong trường học.

“Các doanh nghiệp trong trường đang tích cực nâng cao chất lượng và tham gia thị trường. Sản phẩm nước uống đóng chai đã đạt chuẩn chất lượng ISO và tới đây sẽ chính thức tham gia sâu vào thị trường. Bên cạnh đó, trường đang làm trung tâm nghiên cứu vật thí nghiệm các lĩnh vực về thủy sản rất thành công khi phát triển giống lươn 4.0 được đánh giá cao, đôi khi, sản xuất không kịp để giao hàng. Tôi cho rằng hoạt động công ty trong nhà trường rất tốt”, ông Cừ bày tỏ.

Trong khi đó, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (Hufi) cũng là 1  trong những cơ sở giáo dục đại học cũng mạnh dạn thành lập doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hufi, Công ty Foodtech, Công ty Dịch vụ tài chính kế toán Hufi.

Khi giảng viên là chủ doanh nghiệp, sinh viên nhận lương hàng tháng - Ảnh 2.

Một sản phẩm nghiên cứu của sinh viên do công ty thuộc Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM sản xuất. Ảnh: HUFI

TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng chia sẻ mục đích của việc thành lập các công ty là tập trung hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ. Có thể đánh giá, từ khi thành lập cho đến nay, cơ bản 3 công ty của nhà trường đã hoạt động có hiệu quả cao. Công ty Du lịch Hufi đã tạo điều kiện cho các sinh viên lĩnh vực du lịch, khách sạn cơ hội thực tập, thực tế và nhiều trải nghiệm; đồng thời thông qua hoạt động này đội ngũ giảng viên về lĩnh vực này cũng có nhiều cơ hội tham gia những hoạt động thực tế.

Tương tự, Công ty Dịch vụ tài chính kế toán Hufi đang làm tốt công tác hỗ trợ cho sinh viên lĩnh vực về tài chính, kế toán về các vấn đề thực tập, thực tế; đồng thời cũng có nhiều dịch vụ cung cấp cho khách  hàng, đối tác về lĩnh vực này.

Riêng đối với Công ty Foodtech thì tập trung việc chuyển giao công nghệ về lĩnh vực thực phẩm cho các doanh nghiệp liên quan.

Tuy nhiên, theo hai vị lãnh đạo nhà trường, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp trong nhà trường cần tính toán kỹ để đảm bảo chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, cần thiết phải có mô hình doanh nghiệp đặc thù trong cơ sở giáo dục, không thể áp dụng các chính sách giống như các doanh nghiệp khác bởi sứ mạng của những công ty này là hỗ trợ hoạt động đào tạo, dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ chứ không phải kinh doanh.

Huyên Nguyễn (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem