Khi lính không quân bay ra biển cứu nạn

Thứ tư, ngày 21/03/2012 18:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất chấp thời tiết phức tạp, tổ bay của Trung đoàn 917, Sư đoàn Không quân 370 cùng một tổ y, bác sĩ Bệnh viện 121, Quân khu 9 bay thẳng ra Trường Sa cứu ngư dân gặp nạn.
Bình luận 0

Cứu người hơn cứu hoả

Một ngày giữa tháng 3.2012, các ngư dân tàu QNg 9649TS ở xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị thương nặng khi đang đánh bắt cá ở tọa độ 100 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông, gần đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Trong đó, ông Lê Phấn (SN 1962, thuyền trưởng) bị bất tỉnh do giập nát cơ đùi trái, gãy lộ xương có dấu hiệu hoại tử và chấn thương vùng bụng; còn anh Mai Văn Hòa (SN 1984, thuyền viên) bị chấn thương ở hai đùi.

img
Các ngư dân được cấp cứu bằng trực thăng.

Sau khi được đưa vào đảo Song Tử Tây, hai nạn nhân đã được y, bác sĩ cắt lọc những phần hoại tử, sát trùng và băng bó vết thương. Đặc biệt, trường hợp của ông Lê Phấn, do mất quá nhiều máu nên quân - dân trên đảo đã tiếp 2 đơn vị máu cho ông qua cơn nguy kịch.

Dù được sơ cứu, nhưng vì điều kiện, trang thiết bị y khoa không đủ để tiến hành phẫu thuật, điều trị triệt để nên chỉ huy đảo đã xin ứng cứu từ đất liền. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, tổ bay của Trung đoàn 917, Sư đoàn Không quân 370 cùng một tổ y, bác sĩ Bệnh viện 121, Quân khu 9 được lệnh ra đảo đưa ngư dân vào đất liền.

Đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại Cần Thơ, khi nhận lệnh, chiếc trực thăng Mi 171 do thượng tá Ngô Vi Sơn và thượng tá Trần Như Vi làm cơ trưởng sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Bất chấp thời tiết phức tạp, Phi đội 1, Trung đoàn 917, Sư đoàn Không quân 370 đã vượt qua hàng ngàn km, và hạ cánh an toàn xuống đảo Song Tử Tây trước sự mong chờ của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Với thượng tá Ngô Vi Sơn- người đã có hơn 30 năm trong nghề bay, cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ bay ra hòn đảo xa nhất của Tổ quốc để cứu ngư dân, chúng tôi luôn tâm niệm “quân với dân như cá với nước”. Cứu dân, cứu mạng sống đồng bào, dù có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng phải hết sức nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Y đức ở mọi nơi

Cuộc hành trình cứu ngư dân bị nạn ở đảo Song Tử Tây, ngoài tổ bay của Sư đoàn Không quân 370 còn có 3 y, bác sĩ của Bệnh viện 121, Cục Hậu cần, Quân khu 9. Đó là trung tá Lý Hữu Lộc ở khoa Chấn thương; trung tá Hoàng Minh Đức và y sĩ Lê Văn Chính đều ở khoa Gây mê Hồi sức cấp cứu.

“Từ năm 2011 đến nay, những người lính quân y trên đảo Song Tử Tây đã khám, chữa bệnh và phát thuốc cho hơn 1.000 lượt người là quân dân trên các đảo và các ngư dân hành nghề trên biển”.

Trung tá Lý Hữu Lộc cho biết: “Lần đầu tiên hộ tống vận chuyển nạn nhân bằng trực thăng, chúng tôi phải dự kiến hết các tình huống và điều kiện bất lợi trên không như tình trạng giảm áp, thiếu oxy và giảm độ ẩm”. Qua hơn 6 giờ bay, mặc dù rất mệt nhưng vừa đặt chân lên đảo, các anh đã nhanh chóng tiếp cận và khám cho bệnh nhân. Riêng trường hợp ông Lê Phấn rất nguy kịch, các anh phải đặt sonde dạ dày để giải phóng hơi gây trướng bụng, nếu chậm một thời gian nữa bệnh nhân sẽ có nguy cơ khó thở và suy hô hấp. Chỉ hơn 30 phút, tổ đã tiến hành bổ sung cấp cứu, hồi sức tích cực, kịp thời đưa các bệnh nhân lên máy bay.

Theo kế hoạch, các ngư dân bị nạn sẽ được chuyển cứu về Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng tại TP. HCM, nhưng vì lý do thời tiết nên các nạn nhân đã được đưa về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Hình ảnh chung sức cứu ngư dân bị nạn trên đảo Song Tử Tây không chỉ tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ của dân, do dân và vì dân phục vụ; mà góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem