Khi nào bị can phải giám định tâm thần?

Thứ ba, ngày 28/02/2023 19:13 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc có đưa bị can đi giám định hay không phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tố tụng. Kiến nghị của gia đình chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính quyết định.
Bình luận 0

Theo quy định, trường hợp nào bị can phải trưng cầu giám định tâm thần? Đơn vị nào có quyền quyết định việc giám định tâm thần đối với bị can?


Luật sư Trần Đình Dũng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết:

Theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội bắt buộc phải được tiến hành trưng cầu giám định tâm thần khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Ngoài ra, người làm chứng hoặc bị hại cũng phải được giám định tâm thần nếu có sự nghi ngờ về nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.


Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hay bất kỳ ai tham gia tố tụng khác như luật sư, đương sự, người liên quan, thân nhân... nếu phát hiện có dấu hiệu về tâm thần của người bị buộc tội đều có thể trình báo, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng đưa họ đi giám định tâm thần. Thậm chí trong trường hợp không ai đề nghị nhưng cơ quan tiến hành tố tụng thấy bị can có dấu hiệu tâm thần thì họ có quyền yêu cầu đưa người đó đi giám định.


Đây là bước quan trọng, ảnh hưởng tới quá trình tố tụng hình sự cũng như số phận pháp lý của người bị buộc tội. Cụ thể, nếu kết quả cho thấy họ bị bệnh ở mức độ nặng, gây mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, căn cứ Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, những người này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.


Trường hợp họ bị bệnh ở mức độ nhẹ, có ảnh hưởng nhưng không tới mức mất năng lực trách nhiệm hình sự, họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những người này có thể thuộc trường hợp có nhược điểm về tâm thần và sẽ được áp dụng các biện pháp ưu tiên trong tố tụng như bắt buộc phải có luật sư trong các buổi hỏi cung; được chỉ định luật sư trong trường hợp không có luật sư bào chữa hay được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...


Như vậy, việc giám định tâm thần là cần thiết. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá biểu hiện tâm thần của bị can, từ đó quyết định có đưa đi giám định không. Quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và không bị ảnh hưởng bởi kiến nghị của gia đình, người thân hay các cá nhân khác. Những kiến nghị của của gia đình và các cá nhân khác chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính chất bắt buộc đối với hoạt động này.


Hoàng Linh/Zing.vn (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem