Câu chuyện tăng giá điện đang thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người dân và hàng triệu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tiêu dùng nhiều điện. Nhiều phỏng đoán, giá điện bán lẻ bình quân 2023 có thể được tăng trong quý II khi các kết quả kiểm toán được làm rõ.
Theo giới chuyên gia, chắc chắn giá điện bán lẻ bình quân năm 2023 sẽ được điều chỉnh tăng khi giữ ổn định từ quá lâu (năm 2019) và khi Chính phủ cho tăng khi khung giá điện bán lẻ bình quân mức tối thiểu 220 đồng/kWh (từ mức 1606,22 đồng, lên mức 1.826,22 đồng, tương ứng 13,7%); mức tối đa hơn 538 đồng/kWh (từ mức 1.906,09 đồng lên 2.444,09 đồng/kWh, tương ứng tăng 28,2%).
Với khung tăng từ 220 đồng - 538 đồng, tương ứng 13,7-28,2%, theo nhiều chuyên gia, giá điện bán lẻ bình quân năm 2023 có thể tăng từ hai con số, vẫn nằm trong khung giá được phép, điều này nhằm đảm bảo cho EVN và các doanh nghiệp điện cân đối tài chính năm 2023.
Trước đó, đầu tháng 2/2023, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố số lỗ ước tính cả năm 2022 là khoảng 28.876 tỷ đồng, giảm khoảng 2.124 tỷ đồng so với ước tính trước đó (31.000 tỷ đồng), làm cơ sở để Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm toán rà soát, đánh giá.
Trong trường hợp năm 2023, nếu giá điện bán lẻ bình quân không được điều chỉnh, EVN ước số lỗ dự kiến năm nay có thể lên đến gần 65.000 tỷ đồng, riêng 6 tháng năm 2023 số lỗ có thể trên 44.000 tỷ đồng.
Tổng lỗ luỹ kế 2 năm 2022-2023 của EVN ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Như vậy, cùng với số lỗ lớn và khung giá điện bán lẻ bình quân được tăng, chắc chắn việc tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không thể tránh khỏi.
Theo nguồn tin từ EVN hiện cơ quan này đã có tính toán giá điện bán lẻ bình quân cho năm 2023 và đang chờ các cơ quan chức năng xem xét.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đôn đốc EVN khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân cho năm 2023 trên cơ sở cân nhắc kỹ càng, tránh các tác động trực tiếp đến đời sống người dân, nền kinh tế.
Tuy nhiên, EVN sẽ phải được kiểm toán hoạt động năm 2022 và được kiểm tra, đánh giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Khi các phương án kinh doanh, kết quả và giá bán điện năm 2023 trình lên các cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ Công Thương sẽ phải căn cứ vào các kết quả kiểm toán năm 2022 và rà soát, kiểm tra phương án giá bán lẻ điện năm 2023 mới quyết định phê duyệt giá điện bán lẻ bình quân năm 2023.
Theo nguồn tin của Bộ Công Thương, sớm nhất cũng phải trong quý II, muộn là cuối quý II/2023 mới có phương án giá điện bán lẻ mới, bởi thời gian kiểm toán và rà soát kết quả sẽ mất khá nhiều thời gian. Nếu trong trường hợp đó, có thể EVN sẽ phải gánh thêm khoản lỗ của 6 tháng đầu năm 2023.
Ngoài thời điểm tăng giá điện bán lẻ, tỷ lệ tăng giá điện bán lẻ cũng ảnh hưởng đến thời gian thực thi. Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện.
Nếu tăng từ 3-5% giá bán lẻ điện bình quân, EVN được thẩm quyền tăng giá điện. Trong đó, nếu giá điện tăng từ 3-5%, EVN được quyền tăng giá điện, sau đó báo cáo Bộ Công Thương, giá điện tăng từ 5-10%, EVN phải xin ý kiến Bộ Công Thương cấp thuận; trên 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá điện thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng cao, chắc chắn sẽ phải qua các bước và quy trình xét duyệt rất nghiêm túc và điều này ảnh hưởng đến tiến độ áp dụng giá điện bán lẻ bình quân vào thực tế.
Tăng bao nhiêu là phù hợp?
Theo chuyên gia từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với số lỗ lớn, chi phí nguyên liệu (khí, than) tăng mạnh trong thời gian qua, cho thấy giá điện bắt buộc phải tăng bởi từ năm 2019 cho đến nay, giá điện vẫn ở ngưỡng 1.864,44 đồng/kWh, trong khi giá than và khí đang ở trạng thái thị trường cạnh tranh.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá than các loại nhập về Việt Nam trong năm 2019 là khoảng 86,5 USD/tấn (tương đương 2 triệu đồng), đến năm 2022, giá than các loại nhập về Việt Nam là khoảng 224 USD/tấn (tương đương 5 triệu đồng), mức tăng giá bình quân là 150%, trong khi đó giá điện vẫn chịu sự neo giá.
"Nếu giữ ổn định giá điện để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát, sẽ ảnh hưởng đến ngành điện, EVN sẽ không có năng lực tài chính để xây dựng các dự án điện cho tương lai, và ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp điện cho trung và dài hạn", vị chuyên gia từ VCCI nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán lẻ hiện hành mới có thể đảm bảo đủ các yếu tố bù chi phí, giúp EVN cân bằng tài chính. Tuy nhiên, con số 15% này sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô (lạm phát) và doanh nghiệp. Nếu vậy phải có phương án tăng giá điện hai đợt, chia đều cho 6 tháng 7-8%.
"Đợt 1 có thể điều chỉnh luôn vào tháng 3/2023. Trong trường hợp cuối năm tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2", ông Thoả nói.
Theo ông Thoả, việc EVN cho biết lỗ lớn trong năm 2022 và dự báo lỗ 2023 nếu giá điện không tăng, vẫn chưa phải là yếu tố quan trọng để tăng giá điện mà số lỗ này phải được kiểm toán, làm rõ cái nào lỗ do giá, cái nào do nguyên nhân khác.
"Lỗ do giá thì chúng ta phải xem xét, còn nguyên nhân khác thì phải loại trừ khi tính toán mức tăng của giá điện", ông Thoả nhấn mạnh.
Hiện, giá điện bán lẻ bình quân vẫn được áp dụng từ tháng 3/2019 cho đến nay ở mức 1.864,44 đồng một kWh. Nếu trong trường hợp giá điện tăng 15%, tương ứng tăng khoảng 279,6 đồng/ kWh, đây sẽ là lần tăng giá cao thứ 2 từ năm 2009 cho đến nay (trước đó tháng 3/2011, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 17,4% so với cùng kỳ 2010, mức tăng kỷ lục từ đó cho đến nay".
Từ 2011 cho đến tháng 3/2019, giá điện bán lẻ chỉ được điều chỉnh khoảng từ 5-8,3%, lần lượt vào các năm 2011, 2012, 2013, 2015 và 2019. Từ 2019 cho đến nay, giá điện bán lẻ bình quân được giữ ở mức 1.864 đồng/ kWh.
Theo các chuyên gia, phương án tăng giá điện có thể sẽ được cân nhắc khi cơ quan chức năng kiểm toán xong các chi phí, kinh doanh của EVN, sẽ được cân nhắc kỹ hoặc có thể sẽ chỉ một con số để đảm bảo lợi ích cho toàn nền kinh tế cũng như cải tổ hoạt động của EVN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.