Khung giá điện tăng, người dân sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền?

An Linh Thứ ba, ngày 07/02/2023 10:26 AM (GMT+7)
Về cơ bản, tăng khung giá bán lẻ bình quân chưa ảnh hưởng làm tăng giá điện bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Bình luận 0

Giá điện bán lẻ bình quân chưa tăng

Mức tăng khung giá theo Quyết định của Chính phủ hiện chỉ đảm bảo mức trần - sàn tăng giá điện bán lẻ (nếu có) trong tương lai và đảm bảo cân đối chi phí sản xuất cho ngành điện. Tuy nhiên, nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ sớm tăng giá bán điện bình quân năm 2023 thay cho giá bán điện bình quân đang áp dụng từ tháng 3/2019 đến nay.

Trả lời PV Dân Việt, một chuyên gia trong ngành điện cho biết, về cơ bản tăng khung giá điện bán lẻ bình quân chưa làm tăng giá điện bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Lộ trình tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ còn nhiều, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, nếu các thông số đầu vào làm giá điện bán lẻ thay đổi từ 3-5% trở lên, giá bán lẻ điện đến tay người tiêu dùng sẽ thực hiện tăng hoặc giảm trong khung giá điện.

Giá điện đến tay người tiêu dùng tăng bao nhiêu khi giá điện bình quân tăng mạnh? - Ảnh 1.

Khung giá điện tăng mở đường cho giá điện bán lẻ bình quân đang được nghiên cứu tăng từ năm 2023 (Ảnh EVN)

"Khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh", vị chuyên gia cho hay.

Bên cạnh đó, khung giá bán lẻ điện bình quân và chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 được xem là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm 2023.

Hiện, theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp vẫn là 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ tháng 3/2019 cho đến nay. Trong khi đó, giá điện bán lẻ hiện vẫn áp dụng 6 bậc, thấp nhất từ 1.678 đồng/kWh, cao nhất là 2.927 đồng/kWh.

Theo ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân chỉ là cơ sở để Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện đến tay người tiêu dùng.

Theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân đến tay người tiêu dùng được EVN xây dựng căn cứ theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 /6/2017 của Thủ tướng. 

"Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm", ông Hoà cho hay.

Theo ông Hoà, hiện Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh nêu trên (trong khung giá), căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, khung giá (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu mới là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

So với khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, khung giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.606,19 đồng/kWh), tương đương 13,7%; trong khi khung giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 538 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.906,42 đồng/kWh), tương đương tăng 28,2%.

Theo quy định, khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem