Khi ngư dân bỏ nghề biển để đi... gác đường

Thứ năm, ngày 20/06/2013 14:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ngư dân đã bỏ nghề để ra đường cảnh giới tàu hỏa. Họ làm tự nguyện, không vì chút lợi lộc riêng tư.
Bình luận 0

Đó là trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Ca (SN 1942) và em ruột Nguyễn Văn Đại (SN 1945, đều ở Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Làm vì tấm lòng

Bên cạnh nhà ông Ca và ông Đại có con đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt Bắc - Nam (Km 778+760) do dân tự lập ra. Đây là điểm đen giao thông của TP.Đà Nẵng, liên tục có người chết và bị thương do tai nạn đường sắt gây ra khi có người qua đường không để ý. Chính quyền địa phương cũng không đành lòng nên kêu gọi người dân tự nguyện đứng ra gác đường dù địa phương hứa hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Nhưng không ai làm.

img
Ông Nguyễn Văn Ca cầm cờ cảnh báo sắp có tàu đến.

Năm 2005, một người thân của 2 ông bị tai nạn, tàu hỏa kéo xác đi 200m. Từ tình cảm xót xa, 2 ông đã tự nguyện ra đường cảnh giới tàu hỏa. Mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm, họ thay phiên nhau ra đứng gác, bất kể mưa nắng. Con cái can ngăn được ông Ca khuyên giải: “Mấy đứa để cho ba làm, tiền bạc dù không bao nhiêu nhưng giúp được mọi người qua lại, trong đó có dân làng mình, cứ coi như ba làm phước tuổi già”.

Từ khi 2 ông đứng gác đường đến nay, 8 năm rồi, nơi đây không còn vụ tai nạn đường sắt nào. Năm 2012, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tặng bằng khen cho 2 ông. Chính quyền Đà Nẵng xem tấm gương 2 ông là một giải pháp để giải quyết an toàn giao thông ở các đường ngang dân sinh trong thành phố. Cơ quan chức năng đã ký hợp đồng lao động với 2 ông, ghi nhận sự đóng góp của các ông đối với việc bảo vệ an toàn giao thông địa phương, và hỗ trợ mỗi ôngmỗi tháng 2 triệu đồng.

Tạm thời nhưng khó thay thế

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận Đà Nẵng dài 39km, tạo ra 33 đường ngang giao nhau với nó hợp pháp và khoảng 76 đường ngang dân sinh (do dân tự lập). Giải pháp chủ yếu để giải quyết tình trạng này của Đà Nẵng là xây đường gom rồi đóng cửa các đường ngang dân sinh tự phát. Tuy nhiên, có những đường ngang phải mất 3 năm vận động mới đóng cửa được. Có những đường ngang không thể đóng được.

Ông Nguyễn Hữu Cường- Chánh Văn phòng Ban ATGT TP.Đà Nẵng, cho biết: “Đây là giải pháp triệt để nhưng rất khó thực hiện vì liên quan đến vận động người dân (để họ đồng thuận), liên quan đến kinh phí xây đường gom”.

Tính đến tháng 6.2013, Đà Nẵng có 10 tổ cảnh giới đường sắt, với 23 “nhân viên” tự giác, mà đa phần là nông dân. Sự ra đời của các tổ cảnh giới đã giúp cho số vụ tai nạn đường sắt cũng như thiệt hại nhân mạng do tai nạn đường sắt trên địa bàn Đà Nẵng giảm đi 70%/năm.

TP.Đà Nẵng chấp thuận mô hình này bằng cách tổ chức lại và thành lập các tổ cảnh giới đường sắt, mà tổ hình thành đầu tiên là tổ ông Ca - Đại, sau đó là tổ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và tổ chùa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ). Thành phố đầu tư xây dựng ở mỗi tổ (cũng là mỗi “trạm”) một chòi gác đơn sơ nhưng có thể giúp người đứng gác tránh mưa, núp nắng; sắm cho mỗi tổ cây cờ để vẫy báo hiệu mỗi khi có tàu qua; tập huấn nghiệp vụ cảnh giới đường sắt cho các “nhân viên” đường sắt tự giác này; rồi trang bị mỗi tổ một điện thoại để nhận giờ báo tàu chạy, và quan trọng hơn là hỗ trợ mỗi người đứng gác 1- 2 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm, ở 3 tổ này, không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào.

“Tổ cảnh giới đường sắt là một giải pháp tạm thời để đảm bảo ATGT đường sắt tại các đường ngang dân sinh. Dù là tạm thời nhưng đây là giải pháp khó thay thế hiện nay của TP.Đà Nẵng” - ông Nguyễn Hữu Cường khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem