Khi người Úc truyền bí kíp cho nông nghiệp Việt Nam

P.V Thứ năm, ngày 30/09/2021 15:22 PM (GMT+7)
Nông trại sử dụng một loại đá hữu cơ của Úc trong canh tác dâu tây và các loại trái cây và rau quả sạch khác dành cho các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng cao cấp của Việt Nam.
Bình luận 0
Khi người Úc truyền bí kíp cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh Olar Facebook.

Trong một trang trại ở Đà Lạt, một phụ nữ đang nhẹ nhàng hái những trái dâu tây đỏ mọng từ dãy trụ trồng được gia cố kỹ lưỡng. Mô hình nông trại thẳng đứng này do Orlar, một công ty nông nghiệp Úc thiết kế dựa trên công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, không phát thải khí nhà kính, sử dụng nước đặc biệt hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn so với phương pháp thủy canh truyền thống. 

Nông trại sử dụng một loại đá hữu cơ của Úc trong canh tác dâu tây và các loại trái cây và rau quả sạch khác dành cho các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng cao cấp của Việt Nam.

Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy công nghệ nông nghiệp (AgTech) đã sẵn sàng để định hình lại ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội thương mại hấp dẫn cho các doanh nghiệp Úc để phát triển, điều chỉnh sản phẩm và đầu tư nhằm thiết lập các mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp địa phương .

Nghiên cứu điển hình này được trình bày trong Báo cáo của Asialink Business và Beanstalk AgTech "Thúc đẩy AgTech: Cơ hội của các doanh nghiệp Úc tại Việt Nam", được phát hành ngày hôm nay. Báo cáo phân tích các xu hướng mới nhất và xác định cơ hội để các công ty đổi mới sáng tạo về công nghệ nông nghiệp (AgTech) của Úc và Việt Nam chia sẻ kiến thức chuyên môn, giải quyết các thách thức chung, đồng thời thúc đẩy chất lượng, tính bền vững và năng suất ngành nông nghiệp.

"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng". Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin tại Asialink Business cho biết: "Ngành nông nghiệp hiện đang sử dụng tới 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam, đóng góp hơn 56 tỷ USD mỗi năm cho GDP từ các mặt hàng xuất khẩu như gạo, cà phê và thủy sản.

Tuy nhiên, cũng tương tự như ở Úc, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như cân bằng giữa chi phí và sản lượng với các tác động môi trường. Ở cả hai quốc gia, công nghệ "nông nghiệp thông minh" có thể cung cấp các giải pháp thay thế cho các phương pháp sản xuất thâm dụng nước và lao động truyền thống. Với mối quan hệ hợp tác bền chặt và lâu dài đã được thiết lập giữa Việt Nam và Úc, đây là thời điểm hai nước chia sẻ kiến thức chuyên môn và thúc đẩy các cơ hội AgTech".

Báo cáo chỉ ra rằng để duy trì tính cạnh tranh, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất hiệu quả hơn, chất lượng cao và bền vững hơn. Nhận định nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Úc, báo cáo nêu bật những nền tảng vững chắc cho sự hợp tác nhằm thúc đẩy đổi mới, giải quyết những thách thức chung, hỗ trợ nền kinh tế nông thôn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Ngành AgTech của Úc đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và bắt đầu tạo tác động trên toàn cầu. Qua các buổi trao đổi và làm việc với nhiều nhà lãnh đạo ngành nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là một thị trường đang khao khát các giải pháp chuyển đổi. Úc và Việt Nam đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác, lấy sáng tạo làm trung tâm dựa trên các giá trị chung, thách thức chung và năng lực bổ sung cho nhau. Với sự kết hợp phù hợp giữa trọng tâm, hỗ trợ và khả năng thích ứng, Việt Nam là cơ hội phát triển hấp dẫn cho các công ty sáng tạo AgTech của Úc", ông Justin Ahmed, Giám đốc Beanstalk và Trưởng đại diện toàn cầu cho Chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp - GRAFT Challenge Vietnam 2021 cho biết.

Báo cáo xác định 4 lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp Úc có thể điều chỉnh các giải pháp AgTech để giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt: Phát triển bền vững: Ở Việt Nam, nhu cầu đổi mới sáng tạo trong công nghệ giúp tránh lãng phí và giảm thiểu tác động môi trường sẽ tăng cao, chẳng hạn như cảm biến kết hợp với phân tích dữ liệu để hỗ trợ đưa ra quyết định. 

 Khả năng chống chịu với khí hậu: Cả Úc và Việt Nam đều đang phải gánh chịu các tác động của biến đổi khí hậu, tạo nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước và đánh giá các rủi ro liên quan đến thời tiết. 

 Năng suất: Định hướng tăng cường xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ mang đến cơ hội cho các công nghệ giúp nâng cao năng suất và thúc đẩy cạnh tranh khi đối mặt với sự biến đổi theo mùa, chẳng hạn như sử dụng robot, tự động hóa và máy bay không người lái.

 Chất lượng và an toàn thực phẩm: Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm và điều này tạo cơ hội cho các công nghệ như blockchain, mã QR, truy vết DNA và báo cáo tự động để cung cấp thông tin chi tiết và đầy đủ hơn trên toàn bộ chuỗi cung ứng .

Được tài trợ bởi Chương trình thí điểm của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường giữa Úc và Việt Nam, báo cáo đưa ra một lộ trình triển khai theo thực tế giúp định vị các doanh nghiệp AgTech của Úc phát triển thành công tại thị trường Việt Nam.

"Cơ hội đang rộng mở cho chúng ta. Nhưng để nắm bắt, các doanh nghiệp Úc sẽ cần đầu tư thời gian và nguồn lực để nâng cao hiểu biết thị trường và thực tiễn ngành tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng sẽ cần điều chỉnh sản phẩm phù hợp với yêu cầu của địa phương, xác định các cơ hội gia nhập thị trường và thu hút sự hỗ trợ từ các đối tác tiềm năng.", Robert Law chia sẻ.

Và đây chính là thời điểm để hành động: Cả Chính phủ và khu vực tư nhân cần nhanh chóng hành động để tận dụng tối đa các cơ hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và hiện thực hóa tiềm năng ngành AgTech của cả Úc và Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem